Để hiểu rõ hơn về công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản mà Hà Nội đang áp dụng thí điểm để làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây, Chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Các bon thấp Nhật Bản, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến-thương mại môi trường Nhật Bản cho biết công nghệ này gồm hai thiết bị, đó là: Các máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor (được làm từ đá núi lửa của Nhật Bản).
Các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor sau khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí. Các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm điện li phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài như cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt.
Việc đặt các máy sục khí công nghệ nano để tăng hiệu quả, tốc độ xử lý và giảm lượng bùn ở dưới đáy. Máy sục khí nano của Nhật Bản tạo ra các bọt khí kích thước micro (đường kính nhỏ hơn 50µm) và nano (đường kính nhỏ hơn 50 nm) rất nhỏ nên nó chìm xuống phần tầng giữa và tầng đáy của hồ có tác dụng phân giải các chất bẩn, bùn ở tầng giữa và tầng đáy.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, áp dụng làm sạch bằng công nghệ Nano-Bioreactor, thì sông Tô Lịch giống như "người bệnh" phải bơm oxy liên tục, nếu ngừng bơm là chết và tái ô nhiễm, Tiến sĩ Tadashi Yamamura (chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường) chia sẻ: "Họ hiểu sai về công nghệ Nano - Bioreactor. Họ cho rằng sông Tô Lịch giống như người bệnh, cứ phải bơm oxi liên tục và ngừng bơm là chết (tức là lại ô nhiễm) là hoàn toàn không chính xác".
Nồng độ oxi trong nước sông Tô Lịch hiện tại đo được là 11.35, trong khi đó tiêu chuẩn nồng độ oxi trong nước là 6. Công nghệ nano tạo ra oxi trực tiếp kích hoạt các vi sinh vật hiếu khí, yếu tố công nghệ Bioreactor kích hoạt các vi sinh vật kị khí và cả 2 yếu tố này đều tạo ra oxi.
Đặc biệt yếu tố Bioreactor có khả năng kích hoạt gần như 100% các vi sinh vật trong môi trường. Các vi sinh vật làm nhiệm vụ tiết ra enzim, chúng làm điện ly các phân tử nước để giải phóng oxi trong nước. Bản thân công nghệ này tạo thành hệ thống tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông.
Nhiều người cho rằng: Để xử lý căn cốt vẫn phải là xử lý nguồn xả thải vào dòng sông. Các biện pháp khác cũng chỉ là nhất thời?
- Công nghệ Nano-Bioreactor khác hoàn toàn với công nghệ xây dựng hệ thống thu gom tách nước thải để đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung, công nghệ này chỉ xử lý được nước thu gom, nước bên ngoài chứ không xử lý nước từ bên trong lòng sông.
Còn công nghệ Nano-Bioreactor là công nghệ xử lý nước thải đặt ngay trong lòng sông, có công suất xử lý lên tới 1.350.000m3/ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải hàng ngày chưa qua xử lý chạy vào sông Tô Lịch, tốc độ xử lý đạt gấp 6 lần tốc độ âm thanh.
Nước thải khi chảy vào sông sẽ như là chảy vào nhà máy xử lý nước thải, mà lượng chảy vào chỉ bằng 1/9 lượng công suất xử lý nên hệ thống này sẽ xử lý triệt để nước ô nhiễm của sông Tô Lịch.
Mức độ tốn kém của công nghệ Nano - Bioreactor như thế nào?
- Hệ thống Bioreactor chỉ dùng điện 6h/ngày so với mức tiêu thụ điện năng của hệ thống công nghệ khác thì công nghệ này đỡ tốn kém. Chúng tôi sẽ nghiên cứu đặc điểm hệ thống xả thải nước để lắp đặt máy móc với công suất phù hợp, tiết kiệm.
Xây dựng hệ thống nhà máy xử lý rác thải 10.000m3/ngày đêm cần 3ha đất thời gian xây dựng kéo dài 8 năm với số tiền đầu tư là 38,5 triệu USD (870 tỉ đồng). Trong khi công nghệ này có khả năng xử lý đến 1.250.000 m3 (gấp hơn 100 lần) trong khi số tiền chỉ bằng 1/10, không cần sử dụng đất, lắp đặt trong vòng hai tháng. Chi phí trả cho nhà máy xử lý rác thải theo khối nước xử lý. Công nghệ Nhật Bản có chi phí đầu tư ít, chi phí duy trì thấp (chi phí điện).
Ông có thể so sánh công nghệ Nano - Bioreactor với việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung theo cách truyền thống?
- Nếu chúng ta xây dựng một nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất là 10.000m3/ngày đêm thì chúng ta phải bỏ số tiền khoảng 38,5 triệu USD và tốn diện tích đất rất lớn. Ngoài ra, chúng ta còn phải bỏ kinh phí xây dựng đường ống gom nước thải dài hàng chục km, như sông Tô Lịch là hơn 14km, các con sông khác có chiều dài lớn hơn nhiều, điều này rất tốn kém.
Còn công nghệ Nano - Bioreactor nó giống như "nhà máy xử lý nước thải" đặt ngay dưới lòng sông, không tốn kinh phí xây dựng hạ tầng, chi phí đầu vào rẻ hơn hàng chục lần so với đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tâp trung. Chi phí rẻ, nhưng công suất của công nghệ này lại rất lớn, có thể xử lý được 1,3 triệu m3/ ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải sinh hoạt đổ vào sông Tô Lịch mỗi ngày (150.000m3/ ngày đêm). Tốc độ xử lý của công nghệ này gấp 6 lần tốc độ âm thanh, tức là 2.200m/s.