Tại Hà Nội, để bổ sung kiến thức cho các em học sinh, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất, phát sóng các chương trình học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 9, lớp 12.
Các bài giảng trên truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020 do các giáo viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao giảng dạy, góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp THPT quốc gia.
Theo báo An ninh Thủ Đô, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho biết, để có được những buổi livestream trên Fanpage của đài cho các bạn học sinh lớp 9, 12 ôn tập, chuẩn bị kiến thức cho kỳ thì tốt nghiệp, bộ phận kỹ thuật của đài phải làm việc cật lực để đảm bảo đường truyền thông thoáng, hạn chế lag giật hay những bình luận tục tĩu.
Tuy nhiên lượng bình luận trong mỗi livestream rất lớn, lên đến vài chục nghìn bình luận và một số trường hợp thiếu ý thức dùng từ né tránh bộ lọc nên vẫn bình luận được nội dung phản cảm.
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho biết, sẽ phối hợp với Công an TP Hà Nội để xác minh các trường hợp bình luận có nội dung tục tĩu trong các buổi livestream học qua truyền hình và sẽ thông báo cho nhà trường...
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật Sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, những hành vi của người xem bài giảng online của thầy cô giáo (trong đó có thể có học sinh) bên trên là không tôn trọng thầy cô giáo.
Học sinh được phép bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình đối với thầy cô tuy nhiên không được lợi dụng sự tự do ngôn luận, dùng lời lẽ thô tục để xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của thầy các cô.
"Nếu người vi phạm từ 14 tuổi trở lên có thể bị xử phạt hành chính liên quan đến hành vi vi phạm trên không gian mạng theo Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP", Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.