Thi công hoàn trả mặt đường quốc lộ 5 của nhà thầu trong hạng mục thi công xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty CP nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư không đạt yêu cầu. Mặt đường lỗi lõm, bụi mù gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Vào ngày 9/3, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đuống (NMNM Sông Đuống) tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Dự án có tổng kinh phí giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng và dự kiến cung cấp đủ nước sạch cho hơn 3 triệu dân.
Trong đó có gói thi công tuyến ống dẫn nước D800, thuộc gói thầu số 3.1 do Công ty CP nước mặt Sông Đuống làm chủ đầu tư có tổng chiều dài 5.000m bắt đầu thi công vào tháng 3 vừa qua, đoạn từ phố Nguyễn Huy Nhuận (Gia Lâm) đến ngõ 75 Nguyễn Văn Linh (QL5).
Hiện nay, khoảng 3.000m đường QL5 đã bị đào lên để lắp đặt đường ống nước và lấp hoàn trả mặt đường nhưng đơn vị thi công đã hoàn trả mặt đường chưa đạt yêu cầu. Mặt đường bị lõm xuống có đoạn lên tới vài cm và kéo dài toàn tuyến, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trao đổi với PV PhapluatNet vào chiều ngày 20/4, bác Phượng, một người dân sống gần khu vực thi công chia sẻ: “Không biết đơn vị nào thi công đường ống này nhưng tháng trước khi đào đường lên lắp đặt ống thì tiếng ồn do phương tiện thi công gây ra đinh tai nhức óc. Khi thi công thì không có biển cảnh báo, rào chắn hay lực lượng hướng dẫn giao thông nào nên mạnh ai nấy đi gây nên cảnh tắc đường thường xuyên.
Bây giờ đường đã được lấp lại nhưng thi công ẩu lắm, đoạn thì lõm xuống, đoạn thì chỉ có đá cấp phối rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cháu cứ nhìn đường thì biết, phương tiện xe máy nào đi qua đây cũng phải dò dẫm, nhất là phụ nữ và người già”.
Ghi nhận của PV PhapluatNet cùng ngày cho thấy, nhiều đoạn trên QL5 đã thi công nhưng chưa hoàn trả mặt đường theo đúng nguyên trạng của nó, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Rất nhiều đoạn lớp móng đường không được lu lèn chặt gây lún sụt, đọng nước. Với những đoạn tuyến đã được thảm thô, mặt mương đào thấp hơn hẳn mặt đường, có chỗ tới 4 - 5cm, tạo thành rãnh dài cập kênh, trơn trượt, cực kỳ nguy hiểm đối với phương tiện qua lại, đặc biệt là xe máy, xe đạp.
Được biết, chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, cơ quan chức năng đã có tới 6 văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh chủ đầu tư.
Cụ thể, từ ngày 14-3 đến 17-4, riêng Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội đã gửi 4 văn bản với cùng một nội dung, đề nghị Công ty CP nước mặt Sông Đuống chỉ đạo nhà thầu khắc phục những tồn tại nêu trên để đảm bảo ATGT trên tuyến.
Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng đã có 2 văn bản yêu cầu củ đầu tư phải có biện pháp cảnh bảo, hướng dẫn giao thông; bù lún, xử lý các vết rạn nứt bề mặt đường để đảm bảo ATGT.
PV PhapluatNet đã có buổi làm việc với Chủ đầu tư là Công ty CP nước mặt sông Đuống và nhà thầu thi công đoạn tuyến này là Công ty CP đầu tư xây dựng Bảo Sinh. Đại diện Chủ đầu tư là ông Tuấn cho biết: “Có một số đoạn vừa thi công đêm hôm trước thì không thảm ngay được, quy định là rải thảm làm 2 lớp, lớp thứ nhất dầy 7cm. lớp thứ 2 dày 5 cm. Chúng tôi cam kết là đến ngày 28/4 sẽ hoàn thiện mặt đường để trả lại mặt đường nguyên trạng cho người tham gia giao thông”.
Trước câu hỏi mặt đường thi công như vậy gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà không có biện pháp gì đảm bảo an toàn cho họ? ông Tuấn đã trả lời: “Nó là vấn đề hạ tầng, mình phải làm theo giai đoạn chứ có phải đêm hôm trước đào hôm sau hoàn thiện được đâu. Những nhà làm kinh doanh thì họ cũng phải kêu một tý chứ”.
Như vậy, theo như trả lời của chủ đầu tư thì làm việc nó phải theo quy trình, còn người tham gia giao thông thì phải chấp nhận? Ghi nhận vào sáng 23-4 của PV PhapluatNet cho thấy, tại một số đoạn tuyến đang thi công chưa hoàn thiện nhưng không có bất cứ một biển cảnh báo, rào chắn hay lực lượng hướng dẫn giao thông nào.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.
PV