Trước đó, PhapluatNet đã từng đăng tải trong một số bài viết: “TP.HCM: Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường tại xã Tân Phú Trung”; “TP.HCM: Điểm mặt các DN gây ô nhiễm môi trường tại KCN Tân Phú Trung” để phản ánh về thực trạng ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp tại KCN Tân Phú Trung xả thải ra môi trường, cũng như việc tuyến đường Tam Tân (nằm kế bên KCN Tân Phú Trung) đang bị xuống cấp trầm trọng nhưng không được tiến hành duy tu, sửa chữa nhiều năm qua.
Tuyến đường Tam Tân (đoạn từ cầu An Hạ đến Tỉnh lộ 8 có chiều dài tuyến 11,4 km), theo ghi nhận của PV, hiện nay bề mặt tuyến đường Tam Tân đang bị xuống cấp nghiêm trọng với nhiều ổ gà, ổ voi, sống trâu… do hoạt động vận tải hàng hóa ra vào các doanh nghiệp tại KCN Tân Phú Trung gây ra. Ngoài ra, tình trạng các hộ dân, doanh nghiệp tận dụng, lấn chiếm hành lang giao thông để làm nơi tập kết hàng hóa, nguyên liệu, chất thải… càng khiến tuyến đường này bị thu hẹp lại.
Để tìm hiểu trách nhiệm về việc duy tu, tôn tạo sửa chữa đối với tuyến đường Tam Tân, ngày 3/12, PV có liên hệ làm việc với UBND huyện Củ Chi để làm rõ sự việc. Ngày 21/2, PV có nhận được điện thoại gọi đến từ số của UBND huyện Củ Chi, trao đổi nhanh qua điện thoại, đại diện UBND huyện Củ Chi cho hay: “Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì do Ban quản lý KCN – KCX (Hepza) quản lý, theo phòng Tài nguyên môi trường thuộc UBND huyện cho biết thì những gì thuộc khu Công nghiệp thì Hepza giải quyết hết”. (!?)
Tìm hiểu thông tin từ phía Ban quản lý KCN – KCX TP.HCM (Hepza), ông PhạmThanh Trực, Trưởng phòng Quản lý môi trường thuộc Ban quản lý KCX – KCN TP.HCM cho hay: “Tuyến đường Tam Tân đâu phải do Hepza quản lý, đấy là cái dự án đầu tư hạ tầng của Huyện làm chủ đầu tư, tuyến đường đó là để phục vụ cho khu đô thị Tây Bắc TP.HCM. Nên Hepza không quản lý tuyến đường đó, tại lộ giới bờ kênh đó là 40 m nằm ngoài khu công nghiệp”.
Được biết ngày 8/5/2009, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 2100/ QĐ – UBND về Duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Tân Phú Trung. Trong Quy hoạch hệ thống hạ tầng kĩ thuật của Quyết định này có nêu rõ: Đối với Quy hoạch giao thông đối ngoại; Khu công nghiệp được bao bọc bởi các đường giao thông: D1 (đường Tam Tân) ; lộ giới 40 m (mặt cắt 9 – 9); Đường D5 (đường cặp kênh đông); lộ giới 40 m (mặt cắt 8 – 8)…
Căn cứ theo Quyết định 2100 nêu trên, thì rõ ràng việc quản lý tuyến đường Tam Tân không thuộc thẩm quyền của Hepza, đúng như ông Trực đã khẳng định với PV. Trước những thông tin đa chiều như trên, đang khiến dư luận khỏi băn khoăn đưa ra dấu hỏi: Phải chăng, tuyến đường Tam Tân hiện nay đang “vô chủ” không thuộc trách nhiệm quản lý đến từ bất kỳ đơn vị cơ quan chức năng nào? Nên mới để xảy ra tình trạng các hộ dân, doanh nghiệp lấn chiếm hành lang giao thông, tuyến đường bị xuống cấp nhiều năm qua.
Thiết nghĩ, dù tuyến đường Tam Tân có được giao cho đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý, duy tu đi chăng nữa, việc đầu tiên với trách nhiệm của đơn vi quản lý địa phương, gắn liền với đời sống của người dân nhất, nếu sự việc nằm ngoài phạm vi, thẩm quyền, xử lý… thì UBND huyện Củ Chi cần có những đề xuất, kiến nghị đến với các cơ quan chức năng có thẩm quyền cao hơn để có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên, cải tạo lại tuyến đường để giao thông được đảm bảo.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Thanh Sơn