Người xưa quan niệm “cúng cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng” vì nghĩ rằng đây là thời điểm Phật giáng lâm, thích hợp lễ cầu an, cúng sao giải hạn...
Hiện nay, Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu vẫn được người Việt coi là dịp lễ Tết lớn trong năm. Nhiều người thậm chí cho rằng phải qua rằm tháng Giêng thì mới thực sự hết Tết.
Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022 rơi vào ngày thứ ba 15/2/2022 (tức ngày 15/1 âm lịch), theo lịch can chi là ngày Kỷ Hợi, ngũ hành Mộc, sao Vĩ, lục nhâm Tốc hỷ.
Theo quan niệm, việc cúng Rằm tháng Giêng vào ngày 14/1 hoăc 15/1 âm lịch đều hợp lý nhưng thường diễn ra vào ngày chính Rằm, tức 15/1. Thời gian cúng có thể tiến hành vào thời điểm từ sáng sớm ngày 14/1 đến trước 19h ngày 15/1.
Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (11h đến 13h). Người xưa cho rằng, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm, giờ Ngọ là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia đình.
Tuy nhiên, ngày nay, do công việc bận rộn nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tiến hành cúng Rằm tháng Giêng đúng vào ngày 15/1 âm lịch. Quan niệm về ngày giờ cúng Rằm tháng Giêng vốn cởi mở, quan trọng nhất là người cúng thành tâm, không cần quá câu nệ. Do đó, tùy theo điều kiện gia đình và công việc, các nhà có thể cúng Rằm sớm hơn.
Theo lịch Vạn Niên, Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022 có các khung giờ hoàng đạo dưới đây, các gia đình có thể chọn để tiến hành nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng.
- Ngày 14/1 âm lịch: giờ Thìn (7h-9h), giờ Tị (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h)
- Ngày 15/1 âm lịch: Giờ Thìn (7h-9h); Giờ Ngọ (11h-13h); Giờ Mùi (13h-15h)