Cộng đồng mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ đang lên án gay gắt những video đăng tải trên một kênh YouTube với nội dung phản cảm, nguy hại tới trẻ em.
Cụ thể, kênh YouTube này đăng tải hàng loạt video hướng dẫn làm giả xà phòng, sữa tắm, nước rửa bát, bột giặt từ các nguyên liệu có thể ăn được với những tiêu đề rất dễ gây hiểu nhầm cho trẻ nhỏ.
Trong đó, nổi bật là đoạn phim có tên "Ăn xà bông uống sữa tắm...". Nội dung đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhân vật trêu đùa bạn bằng cách làm giả xà phòng, sữa tắm từ sữa và socola trắng. Sau đó uống sữa tắm và ăn xà phòng giả trước mặt bạn. Nhân vật còn lại làm theo nhưng với xà phòng và sữa tắm thật.
Được biết, đây là kênh Youtube dành cho trẻ em có tên “Toy Planet”, trong đó 2 YouTuber chủ kênh có biệt danh là “Anh tóc xanh” và “Anh bốn mắt” thường hóa thân thành nhân vật trong chính những tình huống mà thường ngày trẻ gặp phải khi đi học hay ở nhà. Tất cả các video của kênh này đều sở hữu số lượng view “khủng” với hàng triệu lượt views.
Trên nhóm chuyên về làm video YouTube, một thành viên chia sẻ video này và cảnh báo các bậc phụ huynh quản lý việc xem video của con.
"Trẻ không đủ nhận thức sẽ có thể làm theo", người này nhận xét.
Nhiều thành viên khác của nhóm cũng để lại bình luận kêu gọi tẩy chay kênh YouTube này vì lo ngại trẻ em sẽ xem.
"Cứ cho là trẻ em sẽ dùng sữa và socola thay cho hóa chất thật. Nhưng làm sao chắc chắn rằng trẻ em rửa sạch bình chứa? Ngoài ra, mục đích cuối của nhân vật kia cũng là để bạn mình ăn xà bông và sữa tắm thật. Điều này không có tính giáo dục", tài khoản Tai Nguyen bình luận.
"Đây có thể coi là hành vi hướng dẫn trẻ em nghịch dại. Nên có hình phạt thích đáng với những người làm YouTube có nội dung phản giáo dục kiểu này", Nguyễn Hữu Nhật, người làm YouTube lâu năm tại TP.HCM nhận xét.
Mặc dù video đã đăng tải được gần 1 tuần và có hình ảnh nhạy cảm, YouTube vẫn không có tác động gì. Clip chèn nhiều quảng cáo tự động từ YouTube.
Những năm gần đây, YouTube dần trở thành nơi ẩn chứa nhiều mối nguy hại đối với trẻ nhỏ nếu người lớn không kiểm soát được nội dung con em mình thường xuyên theo dõi. Điển hình là sự việc bé trai gần 8 tuổi ở huyện Nhà Bè, TP.HCM nhập viện trong tình trạng hôn mê vì làm theo trò thắt cổ nhưng vẫn thở được trên YouTube vào cuối tháng 11/2019.
Hay hồi tháng 3/2019, cộng đồng phụ huynh tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới cũng từng tỏ ra lo lắng khi cho rằng YouTube xuất hiện nhiều video có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát, điển hình thử thách Momo (Momo challenge).
Mặc dù những năm qua, YouTube liên tục đầu tư cả về con người lẫn công nghệ như sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm duyệt nội dung video trên nền tảng của mình nhưng những đầu tư này dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi bởi minh chứng là vẫn xuất hiện nhiều kênh YouTube có nội dung không tích cực như đã nói ở trên.