Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đề xuất mô hình Chủ tịch tỉnh đi xe máy: Nữ ĐBQH Hậu Giang lên tiếng

Đề xuất mô hình Chủ tịch tỉnh đi xe máy: Nữ ĐBQH Hậu Giang lên tiếng
Về ý kiến nên xây dựng mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt để giảm thiểu ách tắc của ĐBQH đoàn Hậu Giang Nguyễn Thanh Thuỷ gây tranh cãi, mới đây nữ đại biểu này đã lên tiếng.

Ngày 15/8, các bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện lời hứa đã đưa ra từ đầu nhiệm kỳ.

Tại phiên chất vấn này, ĐBQH Nguyễn Thanh Thuỷ (đoàn Hậu Giang) đưa ra câu hỏi đến bộ trưởng bộ GTVT: “Để thực hành tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành và có thông tin cho rằng nên xây dựng theo mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt, đề nghị bộ trưởng bộ GTVT cho biết có nên thực hiện theo mô hình này hay không?

Nếu thực hiện thì có giảm được ách tắc giao thông không? Và giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay?”.

Trả lời ý kiến về xây dựng mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay: “Chúng tôi nghĩ, đề xuất này cũng là một trong các đề xuất để chúng tôi nghiên cứu. Nhưng nếu Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong, chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm nơi thí điểm”.

Ý kiến này ngay sau đó nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, một câu hỏi đặt ra là đề xuất này liệu có tính khả thi, đồng thời cũng không ít người tò mò không biết với lời mời của bộ trưởng bộ GTVT thì Hậu Giang có đồng ý là nơi thí điểm mô hình này?

Trước ý kiến đang gây tranh cãi, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với chính vị ĐBQH Nguyễn Thanh Thuỷ.

Đề xuất mô hình Chủ tịch tỉnh đi xe máy: Nữ ĐBQH Hậu Giang lên tiếng
ĐBQH Nguyễn Thanh Thuỷ (đoàn Hậu Giang).

Thưa ĐBQH Nguyễn Thanh Thuỷ, đề xuất xây dựng mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt để giảm thiểu ách tắc xuất phát từ đâu?

Thực ra mô hình này không phải tôi là người đề xuất đầu tiên, đó là lấy ý kiến từ Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp mà trước đó báo chí cũng đã đưa. Thành ra, tôi mới đưa mô hình đó để trao đổi với bộ trưởng, để bộ trưởng có cái giải pháp, kiến nghị với Chính phủ.

Tức là, để thực hiện mô hình đó phải có kết cấu về hạ tầng giao thông đồng bộ, chứ hạ tầng giao thông hiện nay yếu kém, không đồng bộ thì muốn thực hiện mô hình đó rất khó.

Nếu nhìn thực tế sẽ thấy người đi bộ đâu có đường dành cho người đi bộ, hành lang, vỉa hè lấn chiếm hết thì người đi bộ đi thế nào?

Vậy giải pháp mà đại biểu nêu ra trong phiên chất vấn ngày hôm qua là để áp dụng cho tỉnh Hậu Giang hay cho các thành phố lớn?

Mô hình đó nếu áp dụng được thì rất tốt, không nhất thiết cả. Dù ở đô thị lớn hay tỉnh lẻ, mà có ý thức về tiết kiệm, đường thông thoáng, hạ tầng giao thông mà tốt (tức là phân luồng, phân tuyến đầy đủ, an toàn, không ách tắc giao thông cho người tham gia giao thông) thì áp dụng mô hình này rất tốt.

Đương nhiên, điều này phải đi gần, chứ còn đi xa như đi họp ở xa mà đi xe đạp thì làm sao kịp thời gian. Ở đây, tôi đang nói ở điều kiện hết sức bình thường, mình đi làm hàng ngày.

Nhưng điều kiện hiện nay khó có thể áp dụng được, vì đường tắc mà đâu phải chỉ vấn đề hạ tầng giao thông giải quyết được, vấn đề còn là quy hoạch xây dựng nữa mới giảm ách tắc được. Còn hiện nay, muốn đi xe buýt, đi xe công cộng như ở các thành phố lớn cũng không đi được. Vấn đề đặt ra là cái giải pháp của Bộ trưởng về hạ tầng giao thông như thế nào, để mô hình đó hay một mô hình nào khác có thể thực hiện được.

Trong cuộc họp hôm qua (15/8), Bộ trưởng bộ GTVT có nói “nếu Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong, chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm nơi thí điểm”, liệu Hậu Giang có nhận lời mời thí điểm, đi tiên phong trong đề xuất này?

Tôi thấy, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã lên tiếng, một số anh đã tham gia tích cực rồi. Không chỉ riêng Hậu Giang hay các tỉnh thành nào nữa, tôi cho rằng ở đâu thực hiện được cũng là tốt, nếu như hạ tầng giao thông bảo đảm, phải tuỳ theo từng điều kiện giao thông áp dụng ví dụ đi gần, thời tiết thuận lợi, hạ tầng giao thông đảm bảo thì áp dụng được. Nếu điều kiện giao thông không bảo đảm, thời tiết không thuận lợi mà đi công tác cũng không áp dụng được.

Nếu trong điều kiện thuận lợi, bản thân đại biểu có tham gia đề xuất này để tiết kiệm, cũng như giảm ách tắc?

Nếu có xe công cộng đưa đón cán bộ công chức đi làm, hay tất cả xe công cộng đưa đón người dân cũng là điều tốt.

Tôi nghĩ rằng, mong ước của người dân hay bất kỳ một cán bộ công chức nào thì cũng có thể thực hiện được nếu điều này bảo đảm tiết kiệm, điều kiện đi làm việc phù hợp và hạ tầng giao thông bảo đảm. Còn bây giờ để áp dụng cũng rất khó.

Xin cảm ơn đại biểu.

Không khả thi!

Cũng trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về đề xuất của ĐBQH đoàn Hậu Giang, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cho rằng: “Tôi cho rằng đề xuất này không khả thi, không giải quyết được những tồn tại đối với giao thông của chúng ta hiện nay. Việc đi lại bằng phương tiện nào là quyền tự do cá nhân của mỗi người, ở các địa phương thì vấn đề ách tắc giao thông không phải quá bức xúc mà chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đề xuất này không giải quyết được vấn đề, không thực tiễn”.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.41763 sec| 650.32 kb