Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đề xuất nhiều quy định mới trong tinh giản biên chế, về hưu trước tuổi

Đề xuất nhiều quy định mới trong tinh giản biên chế, về hưu trước tuổi
Bộ Tư pháp hiện đang thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định về chính sách tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.

Đề xuất nhiều quy định mới trong tinh giản biên chế, về hưu trước tuổi
Đề xuất nhiều quy định mới trong tinh giản biên chế, về hưu trước tuổi. (Ảnh minh họa)

Trong dự thảo, Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều chính sách mới về tinh giản biên chế, về hưu trước tuổi.

Theo Bộ Nội vụ, việc thực hiện các quy định của Nghị định nói trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, không đáp ứng được yêu cầu công việc, không thể bố trí sắp xếp công tác khác trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời đã phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc thực hiện tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) nên một số quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP không còn phù hợp.

Đối tượng tinh giản biên chế

Đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức qua phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP) không còn phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 vì theo Luật này thì không còn quy định xếp loại chất lượng cán bộ, công chức theo mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (bỏ cụm từ “nhưng còn hạn chế về năng lực”).

Theo đó, kế thừa quy định còn phù hợp tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, nên dự thảo Nghị định chỉ sửa đổi đối với đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức thông qua việc đánh giá, phân loại hằng năm được xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực để bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, nên đã sửa đổi điểm d, đ khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP như sau:

- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác.

- Có 2 liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác.

Tuổi thực hiện chính sách về hưu trước tuổi

Về tuổi thực hiện chính sách về hưu trước tuổi và tuổi tính trợ cấp hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6, khoản 7 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP); tuổi thực hiện chính sách thôi việc ngay quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; tuổi không được thực hiện chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đều căn cứ vào quy định về tuổi nghỉ hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm .

Tuy nhiên điểm a khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Lao động năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (tuổi nghỉ hưu đối với nam tối đa là 62 tuổi, tuổi nghỉ hưu đối với nữ tối đa là 60 tuổi), nên các quy định nêu trên không còn phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo đó, dự thảo Nghị định chỉ sửa đổi đối với quy định liên quan đến tuổi để thực hiện chính sách về hưu trước tuổi và tuổi tính trợ cấp hưởng chính sách về hưu trước tuổi; tuổi thực hiện chính sách thôi việc ngay; tuổi không được thực hiện chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 169 và Điều 219 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Chính sách về hưu trước tuổi

- Về tuổi hưởng chính sách về hưu trước tuổi, thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019.

- Về tuổi để tính trợ cấp, đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:

+ Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

+ Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại khoản 2, 3 Điều 169 Bộ luật Lao động.

+ Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp ½ (một phần hai) tháng tiền lương.

+ Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi đời thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Khoản 2, 3 Điều 169 Bộ luật Lao động thì không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Theo đó, khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP.

Chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước

Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời thấp hơn tối đa đủ 3 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên; những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời thấp hơn tối đa đủ 3 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Theo đó, khoản 3 Điều 1 dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Chính sách thôi việc ngay

Sửa đổi quy định về tuổi để thực hiện chính sách thôi việc ngay như sau: “Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này có tuổi tối đa thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này hoặc có tuổi tối đa thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này”.

Theo đó, khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39781 sec| 653.852 kb