Quảng Ngãi: Gia tăng bệnh tay chân miệng, hơn 900 ca mắc
Thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, số ca mắc bệnh tay chân miệng ở Quảng Ngãi hơn 1.000 ca, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng TP Quảng Ngãi khoảng 400 ca, với 25 ổ bệnh.
Tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi, trung bình mỗi ngày tiếp nhận, điều trị gần 100 ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Trong số này, có 30% ca bệnh có dấu hiệu nặng cần theo dõi, 15% ca bệnh chuyển độ nặng 2B1, 2B2. Số lượng bệnh nhi điều trị nội trú ngày càng tăng, diễn biến bệnh phức tạp, nhiều ca nặng.
Ngày 2/10, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện ổ dịch tay chân miệng mới tại trường mầm non Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi). Đây là ổ bệnh thứ 25 được phát hiện tại TP. Quảng Ngãi với gần 400 ca mắc tay chân miệng.
Theo ông Hồ Minh Nên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, những năm trước, các tuýp bệnh tay chân miệng bình thường xảy ra trong cộng đồng và có hiện tượng phát sinh miễn dịch với tuýp đó. Hiện nay có đột biến gen của virus đó nên chưa có sự miễn dịch trong cộng đồng nên số ca mắc tăng hơn so năm ngoái. Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân cộng hưởng khiến ca bệnh tăng cao là đang chu kỳ dịch trong năm, thời điểm giao mùa trùng thời gian trẻ tựu trường dễ bùng phát dịch bệnh tay chân miệng.
TP.HCM: 1 giờ có ít nhất 7 ca chân tay miệng đến nhập viện
Số liệu từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho thấy, trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng nhập viện điều trị tiếp tục gia tăng nhanh, với 347 trường hợp nhập viện, tăng 49% so với trung bình 4 tuần trước đó.
Khoa Nhiễm–Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM đang điều trị cho khoảng 180 bệnh nhi tay chân miệng, trong đó có 28 trẻ phải nằm ở phòng cấp cứu của khoa. Có đến 2 trẻ bị nhiễm độ 4, 17 trẻ bị cấp độ 3, còn lại là độ 2b – đều là các mức độ nặng của bệnh.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm–Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Bệnh viện phải tăng cường thêm 3 phòng bệnh mới cho bệnh nhi tay chân miệng với sức chứa khoảng 100 bé, chủ yếu dành cho những bé bị nhẹ. Tại khoa này, các bác sĩ luôn luôn trong tình trạng tất bật, ra sức cấp cứu điều trị cho các bệnh Nhi, vì trong 1 tiếng đồng hồ có ít nhất 7 ca tay chân miệng đến nhập viện.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm–Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp hơn và gia tăng nhanh các ca bệnh là do sự trở lại của virus EV 71, trẻ chưa đủ miễn dịch với chủng virus này nên tỉ lệ bị nhiễm bệnh gia tăng nhanh so với những năm trước đó.
Đặc điểm của bệnh này chủ yếu thường mắc ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, dễ dẫn đến các biến chứng của chủng EV71. Như vậy phải tập trung vào nhóm đối tượng dưới 3 tuổi, đặc biệt lưu ý hành vi nguy cơ từ mủ tay của các bé là nguồn lây lan bệnh.
Hà Nội: 10 ca mắc tay chân miệng do nhiễm khuẩn EV71
PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 10 trường hợp nhiễm chủng EV71 trong tổng số mấy trăm trường hợp nhập viện Nhi do tay chân miệng.
Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, nhóm mắc virus EV không nhiều, đặc biệt là EV71. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn.
Theo các chuyên gia y tế, hai tác nhân chính gây ra bệnh chân tay miệng đó là CVA16 và EV71. So với CVA16 thì tỷ lệ mắc chân tay miệng gây ra bởi EV71 thấp hơn.
Theo thông tin từ trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trung tâm này đã phối hợp với trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh tại 63 bệnh viện từ tuyến trung ương, bộ, ngành đến các bệnh viện tuyến cơ sở và một số bệnh viện tư nhân với tần suất giám sát 3-4 lần/tuần để phát hiện sớm ca bệnh.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng, sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng bệnh, nhất là tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục như: Trường tiểu học, mầm non, mẫu giáo và các nhóm trẻ gia đình…
H.a (TH)