Việc ông Đinh La Thăng liên tục nhận trách nhiệm người đứng đầu trong những ngày xét xử vừa qua tại tòa là tín hiệu đáng lo hay đáng mừng? Nhận trách nhiệm người đứng đầu là tránh liên lụy cho cấp dưới hay có khó khăn trong việc làm rõ những khuất tất phía sau vụ án?
Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm cho rằng, nhận trách nhiệm có liên quan đến hành vi bị truy tố hay không thì cần xem xét và phân biệt rõ.
"Trách nhiệm người đứng đầu là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đi kèm cái ghế của một quan chức. Biết sai rồi mà vẫn đi làm sai, nhận trách nhiệm cái sai đó lại là câu chuyện khác. Trách nhiệm người đứng đầu thì ngay cả người đương chức cũng có thể nhận trách nhiệm.
Ví dụ một người nhận ăn cắp khác với một người nhận trách nhiệm để xảy ra vụ mất trộm. Cần phân biệt rõ trách nhiệm chính trị, người đứng đầu để xảy ra tình huống thất thoát. Còn nếu nhận trách nhiệm do làm trái, cố ý để xảy ra sai phạm thì lại là câu chuyện khác.
Việc từ chối trước cơ quan điều tra, rồi ra tòa nhận trách nhiệm người đứng đầu vì thua lỗ là có thật, như vậy cũng là câu chuyện bình thường. Vì nếu đã nhận sai hoàn toàn thì không cần đến luật sư, ở đây là trách nhiệm người đứng đầu. Hai trách nhiệm đó là hai khái niệm khác nhau. Trách nhiệm của tội phạm khác với trách nhiệm chính trị của một người đứng đầu", vị luật sư nói.
"Người đứng đầu, kể cả đương chức cũng có thể nhận nếu để xảy ra lỗi. Nhận có cố ý làm trái như cáo trạng nêu khác với trách nhiệm chính trị. Cần phân biệt rõ hai khái niệm này. Trong vụ án hình sự, chúng ta chỉ quan tâm đến việc người ta có nhận những hành vi mà kiểm sát truy tố hay không, còn nhận trách nhiệm người đứng đầu như tôi nói ở trên lại là câu chuyện khác, chỉ mang tính tham khảo.
Nhận trách nhiệm người đứng đầu như thế nào, tập đoàn, Nhà nước hay công ty, tổng công ty. Viện Kiểm sát có truy tố trách nhiệm người đứng đầu đó không? Cần phân biệt rõ trách nhiệm nhận đó có liên quan gì đến những hành vi bị viện Kiểm sát truy tố hay không và có liên quan đến việc kết tội hay không. Tùy thuộc từng câu nói, chưa nên phấn khởi vì nhầm lẫn, chưa nên vội mừng khi ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm người đứng đầu như vậy", luật sư Phất nói thêm.
Cùng bàn về câu chuyện này, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội đề cập đến việc, nhận trách nhiệm cũng là tốt nhưng xử lý trách nhiệm người đứng đầu mới là quan trọng.
"Phiên tòa xử ông Đinh La Thăng diễn ra sớm, thời gian hoàn thành cáo trạng nhanh là một tiền lệ đáng mừng. Việc ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm người đứng đầu về mình, thuộc cấp chỉ làm theo chỉ đạo, đây cũng là một tín hiệu mừng. Nhưng như thế không có nghĩa là những người khác có sai phạm thì sẽ không dính líu, không phải chịu trách nhiệm.
Khi thanh tra, chỗ nào cũng thấy tham nhũng, chúng ta rất quyết liệt trong việc kêu gọi xử lý người đứng đầu nhưng việc xử lý trên thực tế chưa được bao nhiêu. Nếu qua vụ việc ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm của người đứng đầu mà xử lý được trách nhiệm người đứng đầu thì thực sự rất đáng hoan nghênh, có tính chất làm gương, răn đe. Truy trách nhiệm đến cùng là điều nên và cần phải làm.
Nhận trách nhiệm không phải nhận rồi thôi mà phải đi kèm với xử lý. Nhưng việc nhận trách nhiệm như vậy cũng giúp cho thuộc cấp nhẹ tội đi. Nhưng chắc chắn ông Đinh La Thăng không phải một mình gây ra các sai phạm lớn của vụ án này.
Về việc làm rõ các góc khuất, tôi nghĩ không có gì khó khăn khi cơ quan điều tra, tòa án làm việc công minh, xét xử đúng người, đúng tội", ông Thuận nêu quan điểm cá nhân.
Theo Người đưa tin