Song, thực tế các doanh nghiệp này lại gặp không ít rào cản trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng do hạn chế về năng lực quản lý, cách thức thâm nhập thị trường cũng như hạn chế về thông tin và kiến thức. Hiểu được những nút thắt trong quá trình tiếp cận vốn này, không ít ngân hàng đưa các chính sách tín dụng được tùy chỉnh phù hợp đối tượng khách hàng doanh nghiệp.
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2019 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngày càng khẳng định rõ vị thế đối với nền kinh tế khi chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp hơn 40% GDP và thu hút hơn 50% tổng số lao động. Tuy nhiên, việc khơi thông dòng vốn lại chưa xứng tầm với “động lực kinh tế” này khi mới chỉ có hơn 30% DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng - theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 6, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,33% so với cuối năm 2018, trong đó tín dụng đối với DNNVV tăng 6,03%. Từ đầu năm đến này, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, tín dụng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, có thể thấy tín dụng dành cho DNNVV vẫn còn khá hạn chế so với quy mô của khu vực kinh tế này.
Đánh giá về thực trạng doanh nghiệp thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh, ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Khối Ngân hàng Bán buôn Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) cho rằng nguyên nhân đến từ cả hai phía: doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện về năng lực quản trị và minh bạch tài chính trong khi đa phần các tổ chức tín dụng lại đưa ra nhiều yêu cầu phức tạp về hồ sơ, thủ tục cũng như áp dụng mức lãi suất cho vay kém hấp dẫn.
“Ngân hàng phải thật sự đồng hành cùng doanh nghiệp để giải bài toán này, không chỉ đơn thuần xử lý hồ sơ vay vốn mà cần hiểu cái khó của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn vay ngân hàng. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp đến với BAC A BANK, sẽ được tư vấn cụ thể về mức độ phù hợp của kế hoạch hay chiến lược kinh doanh, xác định hiệu quả tài chính của dự án, tính khả thi của phương án vay vốn, rồi tự đó mới gợi ý doanh nghiệp tìm kiếm các sản phẩm tín dụng phù hợp với mục đích vay vốn của doanh nghiệp” - ông Hải nhấn mạnh.
Ngân hàng TMCP Bắc Á hiện đang triển khai chương trình “BAC A BANK đồng hành cùng Doanh nghiệp” đến hết ngày 31/12/2019 với hạn mức Chương trình lên tới 1.000 tỷ đồng. Điểm nhấn của Chương trình là mức lãi suất cho vay vô cùng hấp dẫn - chỉ 8,6%/năm trong 03 tháng đầu tiên kể từ ngày giải ngân; hoặc 8,9%/năm trong 06 tháng đầu tiên kể từ ngày giải ngân, nhờ đó doanh nghiệp có thể yên tâm nắm bắt cơ hội kinh doanh những tháng cuối năm. Đặc biệt, BAC A BANK không thu phí trả nợ trước hạn tại bất cứ thời điểm nào của khoản vay.
Nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, BAC A BANK đồng thời áp dụng nhiều hình thức vay vốn khác nhau với phương thức trả nợ linh hoạt. Bên cạnh quy trình xét duyệt đơn giản, các doanh nghiệp còn được trải nghiệm dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp để tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả nguồn vốn ưu đãi này, góp phần tối ưu hóa lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh.