Chiều 28/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai xác nhận vừa có thêm một bệnh nhi tử vong do sốt xuất huyết. Đây là ca thứ 3 tử vong do dịch sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn Đồng Nai tính từ đầu năm 2019 đến nay.
Trước đó, ngày 6/10, bệnh nhi T.U. (10 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) bị sốt xuất huyết và được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh trở nặng, rối loạn đông máu, nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan và bé đã tử vong vào ngày 27/10.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, ngay sau khi ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, ngành y tế thành phố Biên Hòa đã tiến hành điều tra, huy động lực lượng xử lý, diệt lăng quăng, phun hóa chất tại chỗ và những khu vực xung quanh nơi ở của bệnh nhi để hạn chế bùng phát, lây lan bệnh sốt xuất huyết. Ngành y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc với khu vực phát hiện ổ bệnh, tăng cường các biện pháp phòng chống, không để bệnh lan rộng.
Sở Y tế Đồng Nai khuyến cáo, trước tình hình bệnh sốt xuất huyết đang có diễn tiến phức tạp, gia tăng cả về số ca mắc và ổ bệnh, người dân cần nâng cao cảnh giác, không được lơ là với các biểu hiện của bệnh, nhất là với trẻ nhỏ.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 17.000 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ 2018), xử lý hơn 2.600 ổ dịch. Trong đó, hơn 9.300 ca mắc sốt xuất huyết là trẻ dưới 15 tuổi.
Ngành y tế Đồng Nai đã tiến hành xử lý hơn 2.600 ổ dịch trong tổng số hơn 2.700 ổ dịch được phát hiện.
Ngoài tỉnh Đồng Nai, tỉnh Tiền Giang cũng có tới 3 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết đã tử vong, tại TP Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế Tiền Giang đã xử lý gần 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết; tổ chức 4 đợt Chiến dịch diệt lăng quăng tại hơn 1.300 lượt ấp/khu phố ở các xã, phường, thị trấn trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Theo Vov, bác sĩ Nguyễn Văn Thuận, Khoa Nhi, bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang khuyến cáo: “Sốt xuất huyết là bệnh siêu vi, không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có điều trị triệu chứng như sốt, hướng dẫn bệnh nhân uống nước nhiều. Các trường hợp bệnh nặng phải vào bệnh viện. Hiện tại, ca nào đến bệnh viện đều ổn hết, chứ không nên để ở nhà hoặc điều trị tư”.