15 năm dậm chân tại chỗ
Chiều 18/6, trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm về xử lý công trình vi phạm xây dựng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ kiên quyết xử lý các công trình vi phạm.
Cụ thể, các công trình sai phạm được Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu tên gồm: 8B Lê Trực, 93 Lò Đúc, 302 Cầu Giấy, 1 dự án trong ngõ 102 Trường Chinh.
Ông Chung cho biết, Thành phố quyết định chuyển hồ sơ của ba dự án ở Cầu Giấy, Trường Chinh và Lê Trực sang công an điều tra theo luật hình sự.
Về công trình trong ngõ 102 Trường Chinh, năm 2004 UBNDTP. Hà Nội có quyết định số 2248 về việc phê duyệt đầu tư dự án mở rộng tuyến đường Lương Định Của ra ngõ 102 đường Trường Chinh (quận Đống Đa – Hà Nội).
Theo quyết định trên, hình thức đầu tư của dự án là cải tạo mở rộng với mục tiêu nhằm tăng cường năng lực giao thông, giải quyết ách tắc giao thông cục bộ và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch của khu vực, đáp ứng nhu cầu phục vụ giao thông và sinh hoạt của nhân dân, cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị.
Dự án có mức đầu tư ban đầu là 32,7 tỷ đồng, lấy từ ngân sách thành phố. Ngày 15/7/2004, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Quý Đôn, ký quyết định số 4434/QĐ-UB, thu hồi 6.051m2 đất tại phường Phương Mai, quận Đống Đa để thực hiện dự án trên.
Tuy nhiên, đến nay đã 15 năm, dự án này vẫn dậm chân tại chỗ. Theo phản ánh của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng thì dự án có nhiều điểm bất hợp lý, chưa thoả đáng.
Nắn cong ít thành cong nhiều
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, nhiều hộ dân tại đây đều bày tỏ đồng tình ủng hộ dự án khi đã có chủ trương của Nhà nước.
Ông Nguyễn Bá Sáng, Tổ phó tổ Dân phố 40 cho hay: “Ngay từ khi có dự án, nhân dân phường Phương Mai rất phấn khởi vì đoạn đường này có những chỗ cong thậm chí có cả nút “thắt cổ chai” rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, dự án còn nhiều điểm không thỏa đáng. Khiến người dân khiếu nại kéo dài đã hơn 10 năm chưa thể thực hiện”.
Theo phản ánh của hàng chục hộ dân cũng như thể hiện rõ trong bản đồ chỉ giới và thực địa: Nếu mở rộng đường về phía dãy nhà lẻ (phía Tây) con đường từ ngõ 102 Trường Chinh ra Lương Định Của sẽ được nối thẳng.
Tuy nhiên, chủ đầu tư lại quy hoạch mở về phía dãy nhà chẵn (phía Đông) làm cho tại nút giao nối đường Lương Định Của với ngõ 102 Trường Chinh vốn đã cong lại cong thêm. Điều này làm khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông, khiến nguy cơ tại nạn cũng như việc lưu thông càng khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Hoà (số 40 ngõ 102 Trường Chinh) bức xúc: “Khi tiến hành xây dựng, cải tạo mở rộng đường là phải nắn thẳng đường đến mức tối đa, nhằm triệt tiêu các đoạn cong gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, trừ các công trình phục vụ cho quốc phòng, an ninh,… hoặc phải đền bù lớn hơn.
Chúng tôi đều thấy rõ sự bất hợp lý khi họ mở rộng dự án lại khiến đường cong ít thành cong nhiều. Người dân khiếu nại nhiều năm, tuy nhiên vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục”.
Mở rộng về phía đền bù lớn hơn?!
Không chỉ nắn đường cong ít thành cong nhiều. Về hiệu quả kinh tế, dự án cũng cho thấy sự bất hợp lý khi mở rộng toàn bộ về dãy nhà phía Đông khiến việc giải toả đỡ phức tạp và tăng mức đền bù.
Cụ thể, đoạn từ đầu ngõ 102 đường Trường Chinh đến ngách 74/3 dài khoảng 70m. Nếu tính theo phía Tây của chỉ giới đường đỏ chỉ có 5 hộ dân còn lại là diện tích đất lưu không, trong khi bên phía Đông là khu tập thể với 14 hộ dân.
Không hiểu lý do tại sao, dự án hoàn toàn được mở về phía dãy phía Đông khiến chi phí đền bù tăng cao, đồng thời ảnh hưởng tới nhiều hộ đang sinh sống ổn định. Bên cạnh đó, theo dự án trên, khi thực hiện, hầu hết các hộ đều sẽ mất nhà vì dự án đã cắt vào gần chính giữa ngôi nhà.
“Người dân đã nhiều lần, nhiều năm kiến nghị nếu không mở rộng dự án sang phía Tây, có thể mở dự án sáng cả 2 bên đường sẽ giải quyết vấn đề trên, nhưng không hiểu tại sao chủ đầu tư nhất quyết mở về phía Đông”, ông Nguyễn Khắc Chung (ngõ 102 Trường Chinh) bức xúc.
Qua quan sát thực tế cũng như tìm hiểu, phóng viên nhận thấy nguyện vọng của một số hộ dân nói trên là hoàn toàn có cơ sở. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng dự án cần sớm có phương án xem xét, nghiên cứu kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và tránh thiệt hại tiền của Nhà nước.