Lỗ mạnh do chi phí tăng
Mới đây, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN đã có quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc EVN. Người được bổ nhiệm là ông Trần Đình Nhân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC). Ông Nhân trở thành Tổng giám đốc EVN ở tuổi 55. Nghĩa là chỉ còn 5 năm nữa, ông Nhân đến tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận ngạc nhiên nhất không nằm ở tuổi tác của ông Nhân mà chính là hiệu quả làm việc của ông Nhân tại EVNCPC. Ông Nhân được bổ nhiệm vào “ghế nóng” EVN ngay sau khi khiến EVNCPC thua lỗ 260 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018, trong 6 tháng đầu năm 2018, EVNCPC gánh chịu khoản thua lỗ lên đến 260 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 46 tỷ đồng hồi 6 tháng đầu năm 2017.
EVNCPC thua lỗ trong bối cảnh doanh thu vẫn tăng đều đặn. Nguyên nhân là do, trước thềm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc sắp ra đi, EVNCPC bất ngờ mạnh tay gia tăng hàng loạt chi phí.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của EVNCPC tăng từ 13.362 tỷ đồng lên 15.249 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn tăng nhẹ nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng trưởng dương, tăng từ 633 tỷ đồng lên 667 tỷ đồng.
Thế nhưng, trong kỳ, EVNCPC khá "hào phóng" trong chi tiêu. Chi phí bán hàng tăng từ 247 tỷ đồng lên 293 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 353 tỷ đồng lên 389 tỷ đồng. Đặc biệt nhất, chi phí tài chính tăng 133 tỷ đồng, tương ứng 59% lên 358 tỷ đồng.
Đầu tư thua lỗ
Không chỉ hoạt động kinh doanh mang lại khoản lỗ khủng cho EVNCPC, đầu tư cũng làm khó công ty này. Tại thời điểm 30/6/2018, EVNCPC dành 945 tỷ đồng cho đồng cho đầu tư tài chính dài hạn. Tuy nhiên, lợi nhuận nguồn vốn này mang về ít hơn so với khoản lỗ mà nó gây ra.
Cụ thể, trong kỳ, các khoản đầu tư tài chính mang về cho EVNCPC 74 tỷ đồng tiền cổ tức, lợi nhuận được chia. Thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động đầu tư khiến EVNCPC thua lỗ 114 tỷ đồng. Con số này cùng kỳ năm 2017 là 123 tỷ đồng.
EVNCPC không liệt kê chính xác thông tin chi tiết danh mục đầu tư của mình nên không rõ đâu là khoản đầu tư yếu kém nhất của EVNCPC.
Không chỉ vậy, trước khi ông Nhân rời EVNCPC, “di sản” ông Nhân để lại Tổng công ty này là món nợ phải trả khổng lồ. Tại thời điểm cuối quý 2, nợ phải trả tại EVNCPC lên tới 18.659 tỷ đồng, tăng 1.140 tỷ đồng so với số liệu hồi đầu năm. Điều đáng nói, nợ phải trả cao gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu.
Trong nợ phải trả, nợ vay chiếm tỷ trọng lớn. Nợ vay tại EVNCPC lên đến 11.840 tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng nợ phải trả. Khoản nợ khủng này gây áp lực rất lớn lên hoạt động của EVNCPC.
Nợ vay quá lớn nên trong kỳ chi phí lãi vay tăng vọt từ 222 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2017 lên 357 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản của EVNCPC lại giảm 925 tỷ đồng xuống chỉ còn 27.419 tỷ đồng.
Với nhiều chỉ tiêu kinh doanh yếu kém như trên, ông Trần Đình Nhân không những không phải chịu trách nhiệm mà còn được “thăng chức” lên Tổng giám đốc EVN. Dư luận đang theo dõi xem liệu ông Nhân sẽ làm như thế nào để EVN thoát ra khỏi “vũng lầy” mà ông Đặng Hoàng An, người được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vào hồi tháng 5/2018 để lại?
Theo ThoibaoChungkhoanVietNam