Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân (Hà Nam) cho biết UBND huyện này đã có Quyết định công bố dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Phú Phúc.
Theo đó, UBND huyện Lý Nhân giao Chủ tịch UBND xã Phú Phúc có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các ngành và nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Luật Thú y, nhanh chóng khoanh vùng dập tắt ổ dịch. Đồng thời, giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đảm bảo quy trình kỹ thuật. Các ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân, ngày 21/9 sau khi nhận được thông tin tại xã Phú Phúc có hiện tượng lợn chết rải rác. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện xuống kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm.
Các mẫu xét nghiệm đã cho kết quả nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, để phòng, chống dịch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tiêu hủy toàn bộ 20 con lợn bị chết của 5 hộ; phun tiêu độc khử trùng tập trung tại các hộ có lợn chết và các hộ liền kề. Cùng với đó, thành lập 6 chốt kiểm soát, kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào khu vực có dịch; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và công tác vệ sinh thú y trong chăn nuôi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 1 hộ chăn nuôi của xã Văn Xá, huyện Kim Bảng ngày 27/2/2019 và nhanh chóng lan rộng 111 xã, thị trấn của 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tỉnh có hơn 132.000 con lợn của hơn 9.800 hộ đã phải tiêu hủy. Đến ngày 14/2/2020, 100% xã trên địa bàn tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi.