Mới đây, trao đổi về việc thực hiện cấp giấy đi đường và kiểm tra, kiểm soát theo phân vùng chống dịch từ ngày 6/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã giao cho Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo Công an TP hướng dẫn, tổ chức cấp giấy đi đường cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đúng quy định, nhanh, gọn, thuận tiện, bảo đảm thực hiện giãn cách triệt để trong “vùng đỏ”.
Theo Bí thư Hà Nội, việc thực hiện phân 3 vùng ở Thủ đô từ ngày 6/9 căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP và xuất phát từ yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở mức cao hơn, đồng thời khôi phục sản xuất kinh doanh ở những vùng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho “vùng đỏ”.
Tại Vùng 1 - vùng có nguy cơ rất cao phải tiếp tục thực hiện giãn cách triệt để theo Chỉ thị số 16/CT-TTg - nhiệm vụ trọng tâm là phải hạn chế lượng người ra đường tránh lây lan dịch bệnh. Trong những ngày vừa qua, số ca F0 mới được phát hiện ở Vùng 1 đã giảm dần, nhưng vẫn còn nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng. Trước mắt, trong 2 ngày đầu, các lực lượng chủ yếu kiểm tra để tuyên truyền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự giác chấp hành; đồng thời rà soát đánh giá, cần thiết điều chỉnh vị trí bố trí các chốt, tổ chức lại phân làn, phân luồng giao thông.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp chủ động tổ chức lại hoạt động, tăng cường làm việc trực tuyến, giảm bớt nhân công làm việc trực tiếp để chung tay với TP chống dịch. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng kêu gọi người dân Hà Nội chia sẻ, ủng hộ các biện pháp của TP để quyết tâm khống chế dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Bởi mọi chủ trương, chính sách nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng của người dân thì không thể thực hiện thành công.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tiêm vắc xin và xét nghiệm sàng lọc diện rộng.
Đến nay, toàn TP đã tiêm được hơn 2,2 triệu liều, đạt 26,65% dân số; công suất tiêm đạt khoảng 150.000 mũi/ngày.
Cũng theo Bí thư Hà Nội, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND TP tập trung chỉ đạo ngành Y tế tăng cường xét nghiệm, tận dụng tối đa thời gian từ ngày 6-21/9 để bóc tách triệt để các ca F0 ra khỏi cộng đồng. Trọng tâm ưu tiên là xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “vùng đỏ” với tần suất 2-3 ngày/lần; tại các khu vực có nguy cơ cao “vùng cam” với tần suất 5-7 ngày/lần; xét nghiệm sàng lọc những trường hợp ho, sốt trong cộng đồng; tiếp tục ưu tiên xét nghiệm theo hộ gia đình tại các “vùng xanh” để giữ chắc và không ngừng mở rộng.
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng một lần nữa nhấn mạnh, trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin ở Thủ đô còn thấp, buộc phải thực hiện chặt chẽ các biện pháp khoanh vùng, cách ly, bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội ở nơi có nguy cơ cao để bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, không để dịch bùng phát mạnh dẫn tới mất kiểm soát.
Lãnh đạo Thành ủy cho biết thêm, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, sớm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP thì ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự đồng lòng, chung tay góp sức của nhân dân, TP Hà Nội đã vừa kiến nghị với Chính phủ, bộ Y tế một số nội dung. Trong đó, Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét giao quyền chủ động cho các địa phương trong việc quyết định thời gian cách ly đối với F1 để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho cộng đồng.
Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị bộ Y tế bổ sung phân bổ vắc xin để đến ngày 15/9 TP đạt tỷ lệ cao đối tượng trong độ tuổi được tiêm chủng; thường xuyên cập nhật bổ sung cơ số thuốc, phác đồ điều trị, nhất là các thuốc mới, đặc hiệu để đem lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong.
Đáng chú ý, Hà Nội cũng đề nghị Bộ hướng dẫn cụ thể đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì được phép đi lại, tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, tham gia công tác phòng, chống dịch như thế nào. Bởi lẽ, đây là vấn đề đang được dư luận, nhân dân trên địa bàn thành phố quan tâm, đề nghị sớm có quy định cụ thể.