UBND TP Hà Nội cho biết, việc thí điểm cấm phương tiện này "để từ đó phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp lâu dài cho việc quản lý phương tiện vào nội đô".
Đây là một trong những nội dung nằm trong thông báo đánh giá ba năm tổ chức thí điểm không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận của Hà Nội. Tuy nhiên, văn bản không cho biết chủ trương thí điểm cấm phương tiện trong một tháng sẽ áp dụng 24/24h hay chỉ trong một khung giờ nhất định.
Chiều tối 28/9, trả lời VnExpress, Chánh văn phòng UBND TP Vũ Đăng Định cho biết, hiện thành phố giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu đề xuất thí điểm chứ chưa thực hiện ngay. Thời gian thí điểm cả ngày/đêm hay chỉ trong một số giờ cố định sẽ được Sở quyết định trên cơ sở nghiên cứu.
Theo ông Định, việc mở rộng thí điểm thứ nhất để phục vụ cho không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận. Bên cạnh đó, việc cấm phương tiện cũng sẽ góp phần cải thiện môi trường thủ đô.
Kể từ khi không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận được tổ chức, các phương tiện giao thông bị cấm đi vào khu vực trên từ 19h tối thứ sáu đến 24h ngày chủ nhật hàng tuần. Người dân sống trong khu vực được cấp thẻ để dắt xe ra vào các chốt kiểm soát. Thời gian không tổ chức phố đi bộ, các phương tiện giao thông vẫn được hoạt động bình thường.
Thời gian đầu, việc cấm phương tiện gây một số khó khăn cho người dân và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực như thiếu các điểm trông giữ xe. Tại cuộc tiếp xúc của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung hồi tháng 6, cử tri quận Hoàn Kiếm đề xuất thành phố nghiên cứu mở các bãi xe tĩnh phục vụ cuộc sống người dân phố cổ và không gian đi bộ.
Chủ tịch UBND thành phố đã đề nghị quận Hoàn Kiếm tổ chức lấy ý kiến người dân các phố lân cận phố đi bộ để nắm bắt nhu cầu gửi xe. Ông Chung nói: "Việc tổ chức bãi đỗ xe còn bất cập, thành phố đã khảo sát khu đất ở phố Trần Quang Khải (điểm cây xăng) có diện tích lớn để xem xét làm bãi đỗ xe. Địa điểm này chỉ cách phố đi bộ hơn 300 mét nên tiện lợi cho người dân".
Sau khi đánh giá kết quả thí điểm không gian đi bộ sau ba năm, TP Hà Nội giao quận Hoàn Kiếm triển khai chính thức, đồng thời hoàn chỉnh phương án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm (trước mắt tại các phố Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên) để giảm áp lực đông người và kết hợp hai khu vực không gian đi bộ thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng.
Ngoài ra, thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì tiếp nhận, xem xét cấp phép tất cả các sự kiện xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Trước ngày 30/10 hằng năm, công bố toàn bộ các sự kiện diễn ra xung quanh khu vực hồ.
Từ 1/9/2016, Hà Nội tổ chức không gian đi bộ trên các tuyến đường: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (1/2 đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lê Lai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, hố Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Hàng Bài) ), Lò Sũ (Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Dầu (Đinh Tiên Hoàng đến Cầu gỗ), phố Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Phố Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay), Bảo Khánh (đoạn từ Ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).
Một năm sau, không gian đi bộ được mở rộng thêm với việc phố Cầu Gỗ đoạn giao Lương Văn Can đến Đinh Liệt trở thành phố đi bộ cuối tuần.
Trước đó, Hà Nội đã thử nghiệm tổ chức phố đi bộ trên tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân năm 2004; địa bàn khu bảo tồn cấp I năm 2014 (gồm Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện).
Theo VnExpress