Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hà Nội: Cần làm rõ việc chiếm đất, hủy hoại công trình thủy lợi

Hà Nội: Cần làm rõ việc chiếm đất, hủy hoại công trình thủy lợi
Vừa qua, tòa soạn Diễn đàn pháp luật nhận được thông tin phản ánh liên quan đến dấu hiệu lấn chiếm đất và hủy hoại bờ mương thoát nước tại tổ 6 phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cụ thể là hành vi của ông Trần Công Đạt (SN 1971) và vợ là bà An Bích Thảo (SN 1979) hiện đang sống tại nhà ông Phùng Văn Long tại tổ 6, phường Vĩnh Hưng.

Theo phản ánh của người dân, ngày 10/4/2019, ông Đạt đã thuê người chặt phá hàng cây xanh trên bờ mương thoát nước thuộc tổ 6 phường Vĩnh Hưng để làm lối đi. Hành vi này đã bị người dân phát hiện và vụ việc đã được đưa ra Công an phường Vĩnh Hưng giải quyết.

Đến ngày 29/12/2019, người dân trong khu tiếp tục phát hiện ông Trần Công Đạt thuê người đóng nhiều cọc tre, ván gỗ vào lòng mương để cạp bờ mương rộng ra bằng rác và phế thải, đoạn cạp thêm ra này có độ dài hơn 20m. Cũng tại thời điểm đó, tài sản của một hộ dân đã bị dịch chuyển ra khỏi vị trí an toàn, khi được  người dân đề nghị đưa về thực trạng cũ để đảm bảo an toàn thì vợ chồng ông Đạt đã ngăn cản với lý do đây là đất của gia đình ông. 

Theo phản ánh của người dân, phần đất mà ông Phùng Văn Long mua trước đó không bao gồm diện tích mương nói trên. Theo tìm hiểu của PV, phần đất này được ông Nguyễn Hồng Ngọc (trú phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) mua lại và có đóng thuế đất đầy đủ.

Cụ thể theo ông Nguyễn Hồng Ngọc, năm 1993, ông cùng hai người khác có mua chung một mảnh đất hơn 800m2 của ông Dương Văn Hiệp (trú thôn Đông Thiên, xã Vĩnh Tuy, huyện Thanh Trì). Cùng năm 1993, ông Phùng Văn Long cũng mua 600m2 đất của ông Hiệp. Sau khi mua đất cách mặt đường xã Vĩnh Tuy 50m, ông Ngọc có ý định xây dựng nhà ở lâu dài tại đây nên đã thỏa thuận với các chủ đất phía ngoài và mua được một phần đất sát bờ mương có diện tích 49m2. Năm 2003, ông Ngọc có xin phép kè bờ mương, bỏ tiền tôn tạo diện tích 49m2 thành đường vào nhà mới.

Hà Nội: Cần làm rõ việc chiếm đất, hủy hoại công trình thủy lợi
Công trình thủy lợi tại tổ 6 phường Vĩnh Hưng bị xâm phạm nghiêm trọng bởi hành vi đổ rác thải.

Thực trạng là như vậy nhưng vào ngày 23/3/2020, UBND phường Vĩnh Hưng ra văn bản số 125/UBND cho biết đã nhận được đơn phản ánh của người dân về việc ông Trần Công Đạt và bà An Bích Thảo có hành vi chiếm đất và hủy hoại bờ mương. Văn bản này lại thể hiện: "Vị trí đất sát bờ mương không có hoạt động xây dựng, sửa chữa  cũng như hủy hoại bờ mương". Như vậy, phản ánh về việc có hiện tượng chiếm đất và hủy hoại bờ mương là không có cơ sở xem xét theo quy định. Văn bản này được ông Nguyễn Tiến Phong – Phó Chủ tịch UBND phường ký.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Diễn đàn pháp luật, ở khu vực bờ mương tại tổ 6 (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội), trên phần đường kĩ thuật để nạo vét mương tràn ngập rác thải (chủ yếu là gạch đá vụn, rác thải xây dựng) bị đổ xuống sát bờ, gây khó khăn cho việc đi lại, nguy hiểm cho công nhân làm việc tại đây. 

Hà Nội: Cần làm rõ việc chiếm đất, hủy hoại công trình thủy lợi
Ông Nguyễn Hồng Ngọc bức xúc phản ánh với PV.​​​​

Tại khoản 3 Điều 2 Luật Thủy lợi quy định:
“Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi.”

Tại Điều 8 Luật Thủy lợi quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi như sau:
1. Xây dựng công trình thủy lợi không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi; các hành vi khác làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi.
3. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình thủy lợi.
4. Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi.
5. Sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi; sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm, trừ các loại xe, phương tiện ưu tiên theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
6. Cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thủy lợi.
7. Khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi.
8. Tự ý vận hành công trình thủy lợi; vận hành công trình thủy lợi trái quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
9. Chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố.
10. Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
11. Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 44 của Luật này.”

Mặt khác, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Nghị định 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều:
“1. Hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi, bị xử phạt như sau:
d) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng từ 03 m3 đến dưới 05 m3”.

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định mức tiền phạt tại điều 14 là mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân, áp dụng Điều 23 Luật xử  lý vi phạm hành chính quy định: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”.

Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 104/2017/NĐ-CP, có thể sử dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này”. Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm theo quy định. 

Để rộng đường dư luận, PV Diễn đàn pháp luật đã đến đặt lịch làm việc tại UBND quận Hoàng Mai và UBND phường Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, UBND quận Hoàng Mai cho biết đã chuyển sự việc xuống UBND phường Vĩnh Hưng. PV cũng đã liên lạc với ông Nguyễn Tiến Phong – Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hưng để sắp xếp buổi làm việc nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn không nhận được phản hồi. 

Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3 1 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.53312 sec| 659.555 kb