Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hai thanh niên phải cắt bỏ tứ chi vì bị điện cao thế giật

Hai thanh niên phải cắt bỏ tứ chi vì bị điện cao thế giật
Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị điện giật. Trong đó, hai trường hợp phải cắt bỏ tứ chi vì hoại tử nặng.

Chiều ngày 19/6, TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng phòng Phỏng-Tạo hình thẩm mỹ, Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết đơn vị này đang điều trị cho hai trường hợp bỏng nặng, phải cắt tứ chi để bảo toàn tính mạng.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân S.C. (39 tuổi, quốc tịch Campuchia). Người nhà bệnh nhân cho biết cách đây 3 ngày, anh C. đang sửa mái, vô tình chạm vào dây điện cao thế nên bị điện giật.

Hai thanh niên phải cắt bỏ tứ chi vì bị điện cao thế giật
Anh C. buộc phải cắt bỏ tứ chi sau khi bị điện giật. Ảnh: BH.

Gia đình nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện ở Campuchia. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Anh C. nhập viện trong tình trạng cánh tay co quắp, tiên lượng không thể giữ được hai tay do bỏng quá sâu. Dù các bác sĩ rất cố gắng cắt lọc da hoại tử, bệnh nhân bị cắt cụt 1/3 cẳng tay phải và cẳng tay trái cùng 1/3 giữa cẳng chân”, bác sĩ Hiệp nói.

Phòng bệnh bên cạnh, anh Nguyễn Anh Khoa, 41 tuổi, quê Bình Định, cũng đang dần chấp nhận sự thật trở thành người tàn phế suốt quãng đời còn lại sau 7 cuộc mổ. Nam thợ hồ bị điện giật khi cầm thanh sắt thi công trên căn nhà ở độ cao 4 m, gần đường điện cao thế. Ngoài bị bỏng sâu phải cắt cụt chân trái và hai tay, anh còn bị chấn thương vùng đầu do té ngã sau giật điện. 

Hai thanh niên phải cắt bỏ tứ chi vì bị điện cao thế giật
Bệnh nhân Nguyễn Anh Khoa mất cả tay chân sau 7 cuộc mổ điều trị bỏng điện.

Hiện, sức khỏe của anh K. ổn định, tính mạng được bảo toàn. Tuy nhiên, về cuộc sống trong tương lai, để có thể vượt qua cú sốc này, hai bệnh nhân rất cần hỗ trợ từ phía cộng đồng.

Theo bác sĩ Hiệp, tai nạn bỏng do bỏng điện chiếm 15-20 % bệnh nhân điều trị bỏng tại khoa. Khoảng hơn 30% trong số đó có biến chứng hoại tử phải cắt cụt chi. Một số người may mắn giữ lại được tay chân nhưng hầu như không còn nhiều chức năng. Đa số bệnh nhân còn trẻ, trong độ tuổi lao động và là trụ cột kinh tế.

"Dẫu giữ được tính mạng nhưng nhìn cảnh bệnh nhân xuất viện trong đau đớn, mất tay chân, bác sĩ khó cầm lòng, vì biết rằng cuộc sống về sau của người bệnh và gia đình sẽ là vô vàn gian nan", bác sĩ Hiệp nói.

Tai nạn điện giật chủ yếu xảy ra với những người thợ xây dựng, người làm việc gần đường dây điện, treo bảng , lợp tôn mái nhà, lắp ăng ten hay thậm chí chỉ vì đi câu cá... Mùa mưa độ ẩm không khí tăng cao, khả năng phóng điện, giật điện cũng cao hơn.

Bỏng điện thường rất nặng nề vì khi dòng điện chạy qua người, cơ thể giống như một cái điện trở. Bộ phận cơ thể bị điện giật ở mức điện trở càng cao thì bị cháy càng nhiều, gây nên những tổn thương nặng nề tận gân, cơ, mạch máu... 
 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.42896 sec| 633.773 kb