Nói về vận tải hành khách công cộng giảm, ông Trần Quang Lâm, Giám dốc sở GTVT TP.HCM cho biết, sản lượng xe buýt giảm do ảnh hưởng bởi vấn đề thời gian chờ đợi và hành trình nên người dân chọn các phương thức khác…
“Hành trình của mỗi tuyến vào khoảng 40 – 90 phút. Vận tốc lưu thông trung bình khoảng 20km/h. So với các phương tiện khác là xe hai bánh 30km/h.
Thời gian lưu thông từ trung tâm ra ngoại ô mất đến cả giờ, chưa kể thời gian dãn cách, ùn ứ…nên dẫn đến sức cạnh tranh giảm sút”, ông Lâm phân tích.
Khả năng tiếp cận giao thông công cộng của người dân chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu. Trong khi đó, việc tăng dân số kéo theo tăng phương tiện. Tỉ lệ tăng ô tô đăng ký mới tăng rất cao. Hạ tầng phát triển rất khiêm tốn nhưng số lượng phương tiện tăng nhanh hơn nhiều.
Sở GTVT xác định, trước năm 2025, khi 2 tuyến metro đi vào hoạt động thì xe buýt phải gánh một phần. Sở đang phân bố lại luồng tuyến, quản lý tốt trợ giá, áp dụng công nghệ…để đảm bảo chất lượng tốt hơn.
Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm nói: “TP.HCM với quy mô mật độ dân số với 4.300 người/km và với mức độ tăng trưởng kinh tế như vậy thì chúng ta giải quyết bài toán giao thông thì giao thông công cộng là bắt buộc, trong đó có metro và xe buýt.
Phải phát triển giao thông công cộng và đến 2030 mà giao thông công cộng chưa gánh trên 30% thì ùn tắc giao thông sẽ khó khăn hơn”.
Người đứng đầu ngành GTVT của TP.HCM cũng thừa nhận, việc trợ giá chỉ thực hiện từng hành trình nên việc di chuyển của người dân không hiệu quả kinh tế bằng đi Grabbike.
Lý do là chưa triển khai tốt vé thông minh, chưa thực hiện được việc trợ giá tích hợp vào thẻ trong suốt hành trình, chưa triển khai vé tháng, vé tuần hợp lý.
Vì thế, thời gian tới, Sở sẽ từng bước nâng cấp hệ thống xe cộ, thẻ vé, tổ chức ưu tiên theo giờ, theo hành trình… để thu hút người dân.