Liên quan đến lo ngại về nhiễm độc sau vụ cháy ở Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), sáng ngày 30/8, đã có 8 phóng viên đến kiểm tra, 2 người dân cũng đi khám vì có đứng gần vụ cháy, tham gia chống cháy. Kết quả xét nghiệm thuỷ ngân trong máu của nhóm phóng viên và người dân này là bình thường.
Vào buổi chiều ngày 30/8, Trung tâm chống độc đã tiếp nhận thêm 10 trường hợp chiến sĩ cảnh sát tới kiểm tra.
Ngày 31/8, Ths.Bs. Nguyễn Trung Nguyên Phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện tại đã có kết quả xét nghiệm của 8 phóng viên, 2 người dân và 10 đồng chí cảnh sát cứu hỏa đến khám tại bệnh viện sáng 30/8. Kết quả xét nghiệm cho thấy thủy ngân máu trong phạm vi bình thường, bệnh viện đang làm thêm xét nghiệm mẫu nước tiểu.
Ths.Bs Nguyên cũng khuyến cáo với các trường hợp nguy cơ cao hoặc có các biểu hiện nghi ngờ sau vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông (phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có thể đến các cơ sở y tế để chỉ định làm các thăm dò và xét nghiệm, chụp X-quang phổi, công thức máu, chức năng thận, men gan, nồng độ thủy ngân máu, thủy ngân trong nước tiểu thu gom trong 24 giờ.
Xét nghiệm thủy ngân có thể được làm ở một số phòng xét nghiệm - viện hóa học thuộc viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Ths.Bs Nguyên nhấn mạnh: “Các bác sĩ tại các cơ sở đó khi cần thiết sẽ trao đổi hoặc hội chẩn với Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai để làm thêm các kiểm tra, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân khi cần thiết. Người dân không nên dồn đến khám tại một bệnh viện, như vậy sẽ gây quá tải”.
Trước đó, vào chiều ngày 30/8, bệnh viện Bạch Mai đã có buổi gặp mặt báo chí để thông tin về các nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy tại nhà kho Rạng Đông.
Đối với nguy cơ nhiễm độc xảy ra với các đám cháy, Ths.Bs. Nguyên cho rằng nếu cháy bình thường thì nạn nhân thường hay bị ngạt khói, ngạt khí, ngạt nóng... gây tổn thương, bỏng hoặc ngạt đường hô hấp.
Cũng theo Ths.Bs. Nguyên, trường hợp ngộ độc thủy ngân phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất là nồng độ thủy ngân, tiếp theo là thời gian tiếp xúc... “Nếu nồng độ thủy ngân cao, thời gian tiếp xúc lâu và đặc biệt đứng theo đúng chiều gió thì nguy cơ ngộ độc sẽ cao hơn, đặc biệt là với người có thể trạng yếu như người già, trẻ nhỏ”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Đối với trường hợp cụ thể ở vụ cháy vừa qua, bác sĩ Nguyên cho rằng hiện vẫn cần phải chờ đợi kết quả quan trắc từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao nhất là cứu hỏa, công nhân, người dân vào chạy đồ đạc và hít trực tiếp phải hơi khói nóng bốc lên. Ths.Bs. Nguyên cũng cho biết những biểu hiện sớm của nhiễm độc thủy ngân bao gồm khó thở, ho, tức ngực, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, choáng váng, tê tay chân.
Trước đó, như đã đưa tin vào khoảng 18h ngày 28/8, trên địa bàn quận Thanh Xuân xảy ra vụ cháy ở Công ty Rạng Đông.
Khu vực cháy nằm trong khuôn viên kho chứa hàng hóa và nhà xưởng thuộc Công ty Rạng Đông và có diện tích khoảng 6.000 m2 nằm ở phía Đông Nam bao gồm: Kho Compact, kho bóng đèn huỳnh quang, kho phích, kho đèn bàn, vật tư ngành xưởng và một số kho xưởng nhỏ khác.
Tuy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản sau vụ hỏa hoạn là rất lớn. Ước tính ban đầu, CTCP Rạng Đông thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng.
Do vụ cháy lớn, kéo dài, có hàng triệu bóng đèn bị thiêu rụi, nên không ít người dân xung quanh lo ngại về mối nguy rò rỉ thủy ngân ảnh hưởng tới sức khỏe.