Hợp lực nâng tầm chuyển đổi số tại Việt Nam
Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi đổi số Việt Nam – Châu Á 2022 (Vietnam-ASIA DX Summit 2022) với chủ đề “Hợp lực Chuyển đổi số để phát triển kinh tế số” chính thức diễn ra trong hai ngày 25-26/5/2022 tại khách sạn Intercontinental Landmark 72, Hà Nội.
Hội nghị Vietnam-ASIA DX Summit 2022 được tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Bộ TT&TT. Tại hội nghị, tất cả các doanh nghiệp công nghệ đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số đều thể hiện rõ mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi và phát triển kinh tế số.
Đây là một trong những sự kiện quy mô lớn, tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với sự dẫn dắt của hơn 150 diễn giả, 22 phiên thảo luận tập trung vào 4 chuyên đề lớn là: Chính phủ số, doanh nghiệp số, kinh tế số - xã hội, kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số. Trong suốt thời gian diễn ra, sự kiện đã thu hút hơn 3000 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 10.000 đại biểu theo dõi trực tuyến. Các hoạt động diễn đàn xoay quanh mục đích chính là “Chia sẻ tầm nhìn – Giới thiệu giải pháp – Kết nối cung cầu trong chuyển đổi số”.
Theo Báo cáo kinh tế số của Diễn đàn thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), năm 2019, kinh tế số ICT/VT đóng góp khoảng 4,5% GDP toàn cầu, kinh tế số internet/nền tảng đóng góp 15,5% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, kinh tế số luôn nằm trong Top đầu của ASEAN về tốc độ phát triển. Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.
Tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 31%, và dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 29% một năm đến năm 2025. Báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy bức tranh chi tiết hơn, năm 2021, ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số công nghệ thông tin và viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP. Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
Nhận định về tương lai chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Để thực hiện thắng lợi mục tiêu vô cùng thách thức của Thủ tướng Chính phủ, phát triển kinh tế số Việt Nam cần sự hợp lực từ tất cả các cấp chính trị, các thành phần kinh tế. Các nguồn lực của chúng ta hiện không chỉ thiếu, mà còn bị phân mảnh. Hợp lực giữa bộ ngành với bộ ngành, địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp, và giữa các thành phần này với nhau sẽ tạo ra được những chương trình bài bản, có định hướng, những chính sách cởi mở, thông thoáng và những hệ sinh thái số phù hợp, tối ưu cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số đang nỗ lực phát triển các nền tảng, các giải pháp chuyển đổi số chất lượng, đầu tư nghiên cứu và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới: AI,Blockchain,… và đang nỗ lực cùng nhau xây dựng hệ sinh thái số giúp chuyển đổi số cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp. Doanh nghiệp cam kết và luôn sẵn sàng hợp lực cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để phát triển kinh tế số, tăng tốc chuyển đổi số”.
Nhằm mang đến công cụ và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu trong khâu quản lý, vận hành, tiến gần đến thành công chuyển đổi số, ông Nguyễn Huy Hoàng – Founder & CEO Getfly tham gia chia sẻ với báo chí về nội dung “Xu hướng nâng cấp trải nghiệm khách hàng của doanh nghiệp” với 3 yếu tố chính: Định nghĩa trải nghiệm khách hàng (CX) thời 4.0, tầm quan trọng của trải nghiệm khách hàng với doanh nghiệp thương mại, phương án nâng cao trải nghiệm khách hàng với công cụ CRM.
Ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Trải nghiệm khách hàng đang ngày một khẳng định vị thế của mình trong sự phát triển bền vững doanh nghiệp. Do vậy, quản trị trải nghiệm khách hàng, lấy khách hàng làm trọng tâm cần được coi là chiến lược đầu tư mũi nhọn trong thời kỳ này. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều doanh nghiệp bước vào cuộc chạy đua ứng dụng công nghệ, kỹ thuật giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, cải thiện hiệu suất kinh doanh”.
Theo ông Hoàng, trải nghiệm khách hàng không chỉ là trách nhiệm của riêng một bộ phận (Marketing – Sale) mà đó là sự nỗ lực theo đuổi chiến lược từ ban giám đốc xuống tất cả các phòng ban liên quan. Bắt tay vào triển khai cần có sự hợp lực của 3 yếu tố: Tư duy (Mindset) – Kỹ năng (Skills) – Công cụ (Toolset).
Cũng theo ông Nguyễn Huy Hoàng, chuyển đổi số giúp tối ưu hiệu suất và chất lượng công việc. Ứng dụng chuyển đổi số giúp tự động hóa quy trình xử lý công việc một cách khoa học và chuẩn xác nhất, nhà quản lý chủ động nắm được con số trong tay để đưa ra những quyết định đúng đắn, không phụ thuộc vào biến động nhân lực. Đồng thời, chuyển đổi số cũng mang lại những lợi ích trực tiếp trong chăm sóc và phục vụ khách hàng, nâng cao trải nghiệm. Trên thực tế, Getfly CRM đã hỗ trợ hơn 3500 doanh nghiệp thuộc hơn 200 ngành nghề tự động hóa doanh nghiệp, bước đến thành công trong hành trình chuyển đổi số nhờ ứng dụng công cụ.
Bên cạnh đó, (Vietnam-ASIA DX Summit 2022) cũng là sự kiện mang đến những thông tin hữu ích liên quan đến doanh nghiệp số, chuyển đổi số tại Châu Á và kinh nghiệm chuyển đổi số thành công. Các hoạt động bên lề như triển lãm nền tảng giải pháp số và kết nối cung cầu chuyển đổi số cũng được diễn ra mạnh mẽ trên nền tảng trực tuyến và trực tiếp.