Mới nghe tin, cục Nghệ thuật biểu diễn (bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ lấy ý kiến và dự tính bỏ phần áo tắm trong các cuộc thi Hoa hậu, sắc đẹp tại Việt Nam, tôi thấy hơi khó hiểu.
Càng khó hiểu hơn khi đọc thấy báo chí đưa tin, ý định này của Cục bắt nguồn từ thông tin cuộc thi Hoa hậu Mỹ 2019 sẽ bỏ phần thi bikini.
Trả lời báo chí, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng cục Nghệ thuật Biểu diễn, bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – nói: "Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ thấy phần thi bikini cho tới thời điểm này không cần thiết nữa, họ muốn hướng đến tập trung vào đánh giá trí tuệ của thí sinh thì đó cũng là một yếu tố tích cực. Trước những phản hồi về việc Hoa hậu Mỹ bỏ phần thi bikini, Cục đưa ra nội dung này để trao đổi, lấy ý kiến từ các tổ chức, cá nhân liên quan".
Cá nhân tôi thấy việc đưa ra vấn đề các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam có cần thiết thi áo tắm hay không để lấy ý kiến, vào lúc này, là không cần thiết, thậm chí… không bình thường.
Tại sao tôi nói “vào lúc này”? Là bởi vì chúng ta không có lý do gì tốn công sức, giấy mực của báo chí để xới lên một vấn đề đang diễn ra bình thường, ổn thỏa bao lâu nay.
Ban tổ chức Hoa hậu thế giới có mục tiêu rõ ràng khi quyết định đưa phần thi áo tắm ra khỏi cuộc thi của họ, đó là để thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo.
Và vì phần thi áo tắm vốn là phần thi bị chỉ trích lâu nay tại sân chơi này, do đó hành động của họ thể hiện sự tôn trọng khán giả, sẵn sàng chấm dứt một truyền thống lâu năm nhưng bị chỉ trích dữ dội.
Còn ở ta, nhìn lại các cuộc thi nhan sắc trong nước thì thấy lâu nay, cái mà bị khán giả chỉ trích nhiều nhất không phải là chuyện thi áo tắm hay không, mà là trình độ học vấn, giao tiếp ứng xử, gian dối bằng cấp, gian dối phẫu thuật thẩm mỹ, vấn đề giữ gìn hình ảnh sau đăng quang…
Trong khi ngày càng nhiều các cuộc thi sắc đẹp na ná nhau được cấp phép thì đâu đó vẫn còn nhiều cô hoa hậu, hoa khôi không phân biệt được địa danh lịch sử, trả lời ngô nghê trong phần thi giao tiếp, che giấu việc học hành không đến nơi đến chốn, giấu diếm việc sửa mũi sửa cằm, hay là uốn éo hút thuốc trong quán bar…
Thiết nghĩ, cục Nghệ thuật biểu diễn nên mạnh tay chấn chỉnh những “hạt sạn” này để đấu trường sắc đẹp Việt Nam ngày càng lành mạnh, ý nghĩa hơn, thay vì xới lên một vấn đề không cần thiết như vậy.
Vẻ đẹp hình thể của con người, đặc biệt ở phụ nữ, là một kiệt tác vừa tự nhiên vừa nhân tạo, là sự kết hợp giữa các yếu tố nhân chủng học lẫn sự tập luyện, rèn giũa. Và đấu trường sắc đẹp chính là nơi tôn vinh vẻ đẹp đó. Nếu không chú trọng yếu tố thể hình thì các cuộc thi nhan sắc sẽ trở thành các cuộc thi trí tuệ, tài năng chứ không còn ý nghĩa ban đầu.
Nếu không thi áo tắm, thì có lẽ các chuyên gia nhân trắc học sẽ không còn được thuê tại các cuộc thi hoa hậu, bởi tỉ lệ cơ thể có hài hòa hay không cũng không ai đánh giá được.
Nếu không thi áo tắm, có lẽ doanh số tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu sẽ sụt giảm, bởi còn nhiều cuộc thi trí tuệ, tài năng khác ý nghĩa hơn cần được đầu tư.
Mặt khác, cuộc thi Hoa hậu thế giới đã trở thành thương hiệu toàn cầu, có bề dày lịch sử từ năm 1951, đến nay sự kiện này thu hút được sự quan tâm của 2 tỷ người trên khắp hành tinh. Còn chúng ta, vẫn còn nhiều người dân không phân biệt được các cuộc thi hoa hậu xuất xứ thế nào, khác nhau ra sao, niềm tin của công chúng đối với các cuộc thi sắc đẹp đang ngày càng mai một thì việc đề xuất vấn đề bỏ một phần thi quan trọng chắc chắn sẽ vấp phải dư luận chẳng khác nào đề xuất đỗ xe theo ngày chẵn lẻ hay là ngực lép không được lái xe trước đây.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Minh Minh