Càng vào dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân càng tăng cao đối với các loại mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là quần áo và giày dép. Nhưng cũng chính thời điểm này là hàng giả, hàng nhái, hàng lậu được dịp “làm mưa, làm gió” trên thị trường.
Vừa qua, rất nhiều bạn đọc phản ánh đến PhapluatNet về chuỗi cửa hàng quần áo Jan Store tại Hà Nội đang kinh doanh các sản phẩm quần áo là hàng giả, hàng kém chất lượng, không hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu trốn thuế.
Được biết, chuỗi cửa hàng Jan Store bắt đầu hoạt động kinh doanh từ năm 2012, đến nay Jan Store đã xây dựng được nhiều chi nhánh cửa hàng trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội với 6 cơ sở bán hàng tại: 161 Bạch Mai – Hai Bà Trưng, 216 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, 47 Nguyễn Phong Sắc – Cầu Giấy, 25/178 Thái Hà – Đống Đa, 54 Đông Các – Đống Đa, 95 Núi Trúc – Kim Mã – Ba Đình. Ngoài ra, việc rao bán trên các kênh online của cửa hàng cũng rất phát triển, fanpage bán hàng của Jan Store có tới trên 230 ngàn lượt theo dõi.
Để xác minh và làm rõ phản ánh của bạn đọc, trong vai một người mua hàng, PV đã tìm đến các cơ sở của hệ thống cửa hàng Jan Store trên địa bàn TP. Hà Nội. Tại mỗi cửa hàng đều bày bán nhiều mẫu mã quần áo khác nhau, hầu hết được gắn nhãn của các thương hiệu nổi tiếng như Zara, Mango, Lacoste… Điểm bất thường là quần áo của các thương hiệu này đều có giá rất rẻ, phần lớn chỉ từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng, hơn thế nữa các sản phẩm đều được tư vấn công khai là hàng hàng giả, hàng nhái thương hiệu.
Cụ thể tại cơ sở 216 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, PV có hỏi mua 1 chiếc áo khoác thương hiệu Zara có ghi giá 440 ngàn đồng, thắc mắc về giá và chất lượng sản phẩm này so với các hàng chính hãng Zara khác đang bày bán tại TTTM Vincom, PV được người nhận là nhân viên của Jan Store tại đây tư vấn: “Bên em là hàng Việt Nam xuất khẩu nhưng là hàng giả, nhái lại mác của các thương hiệu nên mới có giá rẻ như vậy, nếu anh mua các sản phẩm chính hãng Zara phải có giá vài triệu/1 chiếc”.
Đáng chú ý, người nhận là nhân viên bán hàng tại nhiều cơ sở của Jan Store cũng cho biết đối với toàn bộ sản phẩm quần áo ở đây chỉ xuất được hóa đơn bán lẻ của cửa hàng, không có hóa đơn đỏ (hóa đơn GTGT) cho khách hàng.
Để hiểu rõ hơn về tính pháp lý của sự việc trên, PV đã có buổi làm việc với luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty luật TNHH Quốc tế TNTP và các Cộng sự. Theo luật sư Hà, căn cứ vào Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu được gọi hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
“Trong trường hợp này, việc các cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán, phân phối các loại hàng hóa không được sản xuất, cho phép bởi các thương hiệu nổi tiếng nhưng có dán nhãn, logo của những thương hiệu đó là hành vi gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu Zara, Mango, Lacoste đang được bảo hộ. Hành vi này khiến người tiêu dùng nhầm lẫn rằng những sản phẩm do các cá nhân, tổ chức này sản xuất, buôn bán chính là hàng hóa do các thương hiệu nổi tiếng sản xuất. Do đó, các sản phẩm hàng hóa trên sẽ bị coi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” – Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời PV.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, căn cứ vào Khoản 1 Điều 18 Thông tư 39/2014/NĐ-CP, việc bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200 ngàn đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn. Như vậy, trường hợp giá trị hàng hóa từ 200 ngàn đồng trở lên mà cửa hàng quần áo không xuất hóa đơn đỏ cho khách hàng khi khách hàng có yêu cầu là vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, đối với chế tài xử phạt cho các cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả, 1 vị lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội khẳng định: “Khi phát hiện đơn vị sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm, sau đó căn cứ giá trị hàng hóa để xứ lý. Nếu giá trị nhỏ thì phạt hành chính, nếu là đơn vị sản xuất mà giá trị hàng giả trên 50 triệu đồng sẽ bị truy tố”.
Để có những phản ánh chính xác và khách quan nhất cho bạn đọc, PV PhapluatNet đã liên hệ tới cửa hàng Jan Store tại cơ sở 216 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội và hẹn lịch làm việc để xác minh làm rõ vụ việc, tuy nhiên chủ cửa hàng đã tỏ ra lẩn tránh và từ chối hợp tác. Trước sự việc trên, dư luận rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để kiểm tra, xác minh và làm rõ những dấu hiệu sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hoá tại chuỗi cửa hàng Jan Store.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.