Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 17 triệu học sinh sinh viên (HSSV) tham gia BHYT đạt tỷ lệ 95,3%. Trong đó 12,4 triệu HSSV tham gia BHYT tại nhà trường và 4,6 triệu HSSV tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng như người nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công và thân nhân công an, quân nhân…
Thống kê từ Hệ thống thông tin giám định BHYT tính từ đầu năm 2019 đến ngày 20/8/2019, tại các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức khám bệnh BHYT cho hơn 4,7 triệu lượt HSSV, trong đó có hơn 3,4 triệu lượt HSSV điều trị nội trú.
Chỉ tính từ ngày 1/7/2018 - 31/7/2019, trên Hệ thống thông tin giám định BHYT của đối tượng HSSV gần 8,3 triệu lượt khám chữa bệnh, với số tiền đề nghị bảo hiểm thanh toán là 2.399 tỷ đồng.
Các trường hợp HSSV được Quỹ khám, chữa bệnh BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú lớn từ 100 triệu đồng trở lên, tính từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/7/2019 là 512 lượt thẻ học sinh. Trong đó, có 499 lượt khám chữa bệnh được thanh toán chi phí từ 100-500 triệu đồng/đợt điều trị; có 13 lượt khám chữa bệnh được thanh toán chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị, đặc biệt có 2 bệnh nhân được BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.
Từ 1/7/2019, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng. Vì vậy, những người thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình cũng thay đổi về mức đóng BHYT, song song với đó, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm cũng được tăng lên tương ứng. Theo đó, mức đóng BHYT đối với HSSV tương ứng là 67.050 đồng/tháng.
Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% tương ứng với 20.115 đồng/tháng, HSSV đóng 70% tương ứng với 46.935 đồng/tháng.
Theo đó, thời hạn BHYT ở mỗi cấp học cũng khác nhau. Cụ thể, đối với học sinh lớp 1, thì thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học.
Đối với học sinh lớp 12, thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 năm đó. Đây là quy định mới tại điểm a khoản 7 Điều 13 Nghị định 146 ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT của Nghị định số 146 nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh tham gia BHYT liên tục trước khi vào Đại học, Cao đẳng, học nghề.
Đối với thẻ BHYT được cấp hàng năm cho HSSV của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở dạy nghề , nếu là HSSV năm thứ nhất của khoá học, thẻ BHYT sẽ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng.
Riêng HSSV năm cuối, thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày cuối cùng của khoá học.