Ngày 10/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) theo đơn kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN và đồng phạm.
Xét thấy phần xét hỏi các bị cáo đã rõ, HĐXX tuyên bố chuyển sang phần tranh luận, trước khi bước vào phần này, vị đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra quan điểm kết luận vụ án:
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và quá trình đưa vụ án ra xét xử, VKS xét thấy, đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN), tại một số bút lục khẳng định Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV của PVN có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định cao nhất trong tập đoàn dầu khí và là người chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc để xảy ra sai phạm trong vụ án.
Việc chỉ định PVC làm tổng thầu sai quy đinh khi chưa đủ năng lực tài chính, chưa có năng lực thực hiện các dự án lớn, điều này đã được kết luận trong biên bản giám định, gói thầu thực hiện không quá 18 tháng, thực tế PVC đã không đáp ứng được tiêu chí này.
Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Giám đốc ban QLDA Nhiệt điện Thái Bình 2 khẳng định việc chỉ định thầu này là trái luật, PVC chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án có quy mô, độ khó như dự án này.
Bị cáo Thăng biết không đủ điều kiện để có thể ký Hợp đồng EPC số 33 (HĐ ký giữ chủ đầu tư PVPower và nhà thầu PVC đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) những vẫn chỉ đạo cấp dưới, thể hiện tại thông báo kết luận tại 2 cuộc họp yêu cầu PVP phê duyệt thiết kế kỹ thuật, hoàn thiện hồ sơ đề xuất để đảm bảo kịp khởi công.
Từ các căn cứ trên có đủ cơ sở kết luận: Trong quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ đạo PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và ban QLDA căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng.
Về tội danh,VKS xét thấy tòa cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên phúc thẩm, hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi của mình. Riêng bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận trách nhiệm như bản án sơ thẩm quy kết, bị cáo cho rằng trách nhiệm thuộc về đơn vị trực tiếp thực hiện, bị cáo chỉ nhận trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV nên đã nôn nóng, ép tiến độ, tại phiên tòa không có tình tiết mới nên VKS đề nghị giữ nguyên quyết định như bản án sơ thẩm.
Xét thấy các bị cáo khác đã thừa nhận một phần trách nhiệm khi để xảy ra vụ án. Tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục được một phần hậu quả, do đó, VKS đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt đối với các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển, Lê Đình Mậu, Nguyễn Mạnh Tiến.
Đối với bị cáo Vũ Đức Thuận, VKS đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho tội tham ô tài sản, giữ nguyên hình phạt đối với tội Cố ý làm trái.
Đối với các bị cáo còn lại, xét thấy không có thêm tình tiết gì mới, do vậy VKS đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.
Tư Viễn