Những người phụ nữ lắng nghe nhiều, nói ít thường là những người không mặn mà với việc thể hiện bản thân. Họ không muốn mất thời gian vào những việc vô nghĩa. Họ sẽ chỉ nói với đúng đối tượng hoặc là người tâm đầu ý hợp, cùng chung quan điểm sống, hoặc là người cầu thị thực sự muốn lắng nghe, hoặc những người đang cần lời khuyên, cần sự giúp đỡ. Một khi đứng trước mặt họ là người lúc nào cũng chỉ chăm chăm tranh nói của người khác, chỉ thích nói, không thích nghe hoặc quá khéo mồm… họ đặc biệt sẽ không mở lời!
Những người phụ nữ mà tôi ví như dòng sông sâu kia, họ không ham hố thể hiện mình còn bởi, họ chẳng cần thể hiện thì ở đâu đó vẫn luôn có những người hiểu rõ họ, ủng hộ họ. Họ là người đã có một vị thế nhất định trong xã hội nên không việc gì phải ham tranh giành hơn kém với thiên hạ.
Trong gia đình, vợ nói nhiều vốn là nỗi ám ảnh của nhiều đức ông chồng. Nó khiến cho những người đàn ông dần dần trở nên chán cái cảnh phải về nhà và nghe vợ lải nhải. Bởi thế cho nên, là phụ nữ, bạn hãy tập cách giữ im lặng khi cần.
Trong gia đình, tôi vốn là một người vợ không hay nói. Những gì chồng làm khiến tôi không hài lòng tôi thường sẽ nói 1 – 2 lần rồi thôi. Nhưng không phải thôi là mặc kệ. Thôi ở đây là anh ấy sẽ phải lĩnh hậu quả về những gì tôi đã nói mà chồng không sửa.
Ví dụ đơn giản như: Chồng tôi có thói quen cởi tất ra là vứt lung tung. Trong khi tôi dặn anh cần vứt vào giỏ, lộn phải tất lại để tôi giặt phần bẩn dưới lòng bàn chân mà đỡ mất công mỗi lần giặt lại phải đi nhặt nhạnh từng chiếc tất của anh khắp nhà, rồi lại mất công lộn lại. Nhắc 2 lần anh ấy không nghe. Tôi không bao giờ giặt tất cho chồng nữa. Tất anh ấy có vứt khắp nhà, để trong nhà vệ sinh, trên bàn hay trong chậu, thậm chí nhét vào máy giặt tôi cũng lôi ra bằng được. Không giặt là không giặt. Nếu anh ấy không nhặt gọn lại, tôi vứt vào sọt rác. Rồi đến một ngày mưa phùn, không còn đôi tất nào để đi, chồng tôi buộc phải làm đúng như những gì tôi yêu cầu trong khi tôi không nói thêm câu nào về việc đó nữa.
Thay vì nói nhiều, hãy nói ít nhưng biến nó thành những câu từ chứa sức nặng. Lời nói có trọng lượng sẽ khiến người nghe lưu tâm hơn. Nói nhiều chỉ khiến người khác cố tình lờ đi giả như không nghe thấy.