Mới đây, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần chuyển phát nhanh G.N.N (GNN Express) - ông Hoàng Ngọc bất ngờ công bố trên Facebook việc doanh nghiệp này phải dừng hoạt động do “không còn đủ khả năng tài chính”.
Trong thông báo của GNN Express, ông Hoàng Ngọc ghi rõ, do hoạt động của công ty gặp khó khăn, công ty đã lâm vào tình trạng không cân đối được thu chi dẫn tới việc lạm dụng và sử dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động của công ty. Lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là năng lực quản lý yếu kém.
Ông Hoàng Ngọc đã ra tự thú trước cơ quan pháp luật về hành vi lạm dụng tín nhiệm do quyết định chỉ đạo sử dụng tiền COD của khách hàng cho các hoạt động công ty với tổng số tiền là 5,5 tỷ đồng.
Trả lời PV về câu hỏi đặt ra hành vi công ty nhận ship COD rồi tuyên bố vỡ nợ và bùng tiền của những người buôn hàng online có được coi là lừa đảo hay không, luật sư Nguyễn Thế Truyền (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: "Trước hết, trong trường hợp cụ thể của công ty G.N.N thì công ty này đang có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội Lừa đảo. Bởi các bên đã thỏa thuận kí kết với nhau, nhưng sau đó, trong quá trình thực hiện mới có ý định chiếm đoạt.
Đối với số tiền lên tới 5,5 tỷ đồng (tiền COD) mà GNN Express thu hộ của khách hàng nhưng không trả lại, doanh nghiệp này lại chi tiêu vào các mục đích khác dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản cho khách hàng thì hành vi này có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định, hướng dẫn tại Điều 175, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây: Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hải Yến