Quận Hoàn Kiếm đang triển lãm và lấy ý kiến người dân hoàn thiện dự án “Đầy tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”. Hạng mục cải tạo lại toàn bộ vỉa hè quanh hồ Hoàn Kiếm được nhân dân đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, theo ông Phạm Tuấn Long- Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, sau nhiều đợt sửa chữa, vỉa hè, đường dạo quanh Hồ Gươm hiện có hơn 20 loại gạch đá khác nhau và thiếu đồng bộ. Do vậy, đợt cải tạo lần này thành phố sẽ cải tạo tổng thể, đem lại bộ mặt hoàn chỉnh cho khu vực Hồ Gươm.
Được biết, dự kiến xung quanh Hồ Gươm sẽ được thay thế toàn bộ bằng đá tự nhiên Granite có độ dầy 10 cm, với nguồn gốc từ tỉnh Bình Định chứ không phải các loại đá tự nhiên có nguồn gốc từ Thanh Hóa mà nhiều quận Hà Nội đang lát cho vỉa hè hiện nay.
Dự kiến vào giữa năm 2018, quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai dự án và hoàn thành vào dịp cuối năm 2018. Ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh việc thi công lát đá vỉa hè quanh hồ Gươm không phức tạp. Hạng mục mất thời gian xử lý nhất chủ yếu liên quan đến hệ thống điện đi ngầm, hệ thống tưới nước tự động.
Ông Phạm Tuấn Long nói: “Xác định đây là dự án quan trọng nên quận và thành phố đã chuẩn bị kỹ từ khâu nghiên cứu, lựa chọn vật liệu và giải pháp kỹ thuật thi công cũng như quá trình giám sát. Thành phố cũng đã xin ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện dự án”.
Người dân và chuyên gia nói gì?
Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng xét trong toàn bộ TP.Hà Nội, quanh hồ Gươm là nơi xứng đáng nhất để triển khai lát đá trước tiên, tất nhiên là sẽ tốn kém, nhưng lợi ích nó mang lại sẽ lớn hơn nhiều. Ông ủng hộ chủ trương này, nhưng lưu ý độ nhám của đá, vì khu vực hồ Gươm khá ẩm, dễ lên rêu hoặc khi trời mưa có thể khiến người ta trượt ngã.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội, cũng cho rằng việc quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang hồ Gươm là nên làm, vì chức năng của hồ Gươm là một khu cảnh quan thiên nhiên, đồng thời là khu vực tâm linh. Vỉa hè quanh hồ Gươm sẽ hướng tới một khu giao tiếp cộng đồng, tổ chức sự kiện thì các công trình, tiện ích đô thị nên cải tạo cho thích ứng với chức năng mới. Đây là việc làm đã có sự tham gia của đơn vị chuyên ngành, trong đó có tư vấn trong nước và nước ngoài, đa số tán thành nên thay thế bằng đá lát để phù hợp với chức năng mới.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hồ Gươm là di sản cấp quốc gia đặc biệt, với toàn bộ khu vực vườn hoa, đường dạo, cây xanh cảnh quan xung quanh hồ được xác định thuộc vùng bảo vệ di sản, vì vậy các phương án cải tạo, chỉnh trang cần tránh những tác động lớn làm biến đổi hiện trạng đang có.
Ông Nguyễn Văn Thực – một kỹ sư xây dựng cho rằng, đá granite lát quanh hồ Gươm chỉ cần dày 8 cm là phù hợp chứ không nhất thiết phải đến 10 cm, như phương án quận Hoàn Kiếm đề xuất. Bởi theo ông Thực, đường đi dạo trên hồ chỉ dành cho người đi bộ, tải trọng không lớn. Độ dày đá lát vỉa hè quanh hồ Gươm chỉ 8 cm là đủ bền cho hàng chục năm. Việc giảm độ dày cũng tiết kiệm chi phí khá nhiều.
Trong khi đó, bà Cao Thị Ngọc (SN 1943) - một cán bộ hưu trí không đồng ý với phương án thiết kế dự án đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm. Bà cho rằng Hồ Gươm hiện nay đã đẹp rồi, bao giờ đất nước có của ăn của để thì mới nên làm. Tuyệt đối không được lát đá xanh xung quanh bờ hồ.
Bà Nguyễn Thị Sáu (SN 1938) cũng góp ý nên để số tiền này xây trường học cho các cháu mẫu giáo nơi khó khăn và đề nghị tuyệt đối không nên lát đá xanh, đó chỉ là những cái bẫy cho người già vì nó quá trơn.
Tú An (Tổng hợp)