Dựng lên công ty công nghệ để tổ chức đánh bạc
Hai bị can cầm đầu là Phan Sào Nam (39 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) đã thành lập công ty CNC, đăng ký kinh doanh nhập khẩu thiết bị công nghệ, một thời gian sau thì tổ chức đánh bạc qua mạng bằng hình thức game bài.
Trong đó, ông Phan Sào Nam là người cung cấp phần mềm, bản quyền cổng game điện tử cho ông Nguyễn Văn Dương. Bị can Dương có vai trò điều hành 2 cổng game điện tử có tên là Rikvip và Tip.club.
Người chơi mua thẻ cào điện thoại và thẻ Vcard do CNC phát hành nạp vào game rồi mua tiền ảo để đánh bạc thông qua dịch vụ chấp nhận thẻ từ cổng thanh toán của nhiều công ty. Doanh thu từ việc tổ chức đánh bạc này do công ty CNC kiểm soát.
Cách thứ hai là sử dụng tiền của ngân hàng nạp vào tài khoản ATM thông qua cổng thanh toán trực tuyến mua tiền ảo và thẻ game.
Theo ước tính, đường dây có hơn 20 triệu tài khoản tham gia.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định đường dây đánh bạc này bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Chỉ một thời gian ngắn, đường dây này đã "vươn vòi" ra tận 13 tỉnh, thành trên cả nước với 25 đại lý. Máy chủ điều hành được đặt tại Hà Nội và cả nước ngoài để những "con bạc" không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng có thể tham gia "sát phạt". Số lượng người tham gia đánh bạc tăng chóng mặt lên đến hàng chục triệu tài khoản đăng ký.
Kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố khoảng 75 bị can; bước đầu làm rõ số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi đánh bạc là 2.777 tỷ đồng; tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản ngân hàng 381 tỷ đồng tiền mặt và sổ tiết kiệm, 20 căn hộ trị giá gần 190 tỷ đồng và 13 xe ô tô các loại.
Nhận diện hành vi rửa tiền
Trong vụ án Tổ chức đánh bạc, đánh bạc và rửa tiền do công an tỉnh Phú thọ vừa triệt phá, khiến 75 đối tượng sa lưới trong đó có cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa, người ta thấy nổi lên hành vi rửa tiền hết sức tinh vi mà các đối tượng đã sử dụng.
Để rửa nguồn tiền thu lợi bất chính từ đánh bạc qua mạng, nhóm cầm đầu đã sử dụng một công ty kinh doanh trò chơi để chuyển hóa thành lợi nhuận kinh doanh, thu lợi bất chính.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc công ty luật Minh Bạch, Đoàn luật sư Hà Nội), để hợp thức hóa nguồn lợi phi pháp từ hoạt động cờ bạc, tội phạm thường liên kết với nhau để rửa tiền.
Luật sư định nghĩa rửa tiền là một loại tội phạm riêng biệt, thường xuất hiện trong các vụ án đánh bạc qua mạng. Hành vi rửa tiền là hành vi biến, chuyển hóa các đồng tiền phạm pháp thành nguồn tiền “sạch”, sử dụng vào việc đầu tư. Sau đó, tội phạm hạch toán phần lợi nhuận đó thành lợi nhuận kinh doanh nhằm che mắt cơ quan chức năng.
Trên thực tế, để hợp thức hóa nguồn tiền phi pháp trên mạng, tội phạm thường sử dụng một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực Internet để rửa tiền. Do đó, các trò chơi đánh bạc qua mạng thường tồn tại lâu.
Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, Bộ luật Hình sự 1999 quy định, tội Rửa tiền có thể bị phạt tiền đến 3 lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội; hoặc bị phạt tù đến 15 năm. Hình phạt bổ sung gồm tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề từ 1 đến 5 năm.
Hé lộ bản hợp đồng ăn chia 20% lợi nhuận của ông Nguyễn Thanh Hóa
Điều đáng nói, một đường dây đánh bạc với quy mô rất lớn tại sao ngang nhiên tồn tại suốt thời gian dài mà không bị triệt phá? Bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an Phú Thọ đã phát hiện dấu hiệu có cán bộ trong ngành tham gia "bảo kê" cho đường dây đánh bạc.
Lập tức Công an Phú Thọ nhận được chỉ đạo từ Bộ Công an: lập chuyên án triệt phá các đối tượng cầm đầu và xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho đường dây đánh bạc này.
Từ tài liệu trinh sát, CQĐT xác định ông Nguyễn Thanh Hóa mặc dù có vai trò là Cục trưởng C50 nhưng không ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm pháp mà còn có hành vi tiếp tay "bảo kê".
Theo tờ Tuổi trẻ, ông Hóa đã ký với Nguyễn Văn Dương một hợp đồng liên quan đến việc công ty của Dương được hoạt động.
Theo thỏa thuận, ông Phan Sào Nam sẽ được ăn chia 60% lợi nhuận từ đường dây đánh bạc, còn Dương hưởng 40% lợi nhuận.
Trong hợp đồng ông Hóa ký với Dương, vị nguyên cục trưởng này sẽ được chia khoảng 20% lợi nhuận từ số tiền Dương được hưởng.
Ngay khi bị bắt, Dương khai nhận đã được hưởng lợi khoảng 800 tỉ đồng. Tuy nhiên bị can Dương cũng khai chưa "chia" lợi nhuận cho ông Hóa. Còn ông Phan Sào Nam thì khai cho ông Hóa vay một số tiền và hiện chưa đòi.
Hiện CQĐT vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ những vấn đề này.
H. Yến (Tổng hợp)