Vào hồi 0h30, ngày 24/5, đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 khi đến đường ngang có gác tại Km 234+050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm, tuyến đường sắt Bắc Nam đã va chạm với ô tô tải chở đá mang BKS 37C - 151.38 làm đầu máy 927 bị đổ và 6 toa xe bị đổ lật, trật bánh và hàng trăm mét đường sắt bị hư hỏng, làm 2 người tử vong gồm lái tàu và phụ lái tàu, 10 người bị thương.
Ngày 26/5, liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt tại Quảng Nam và Nghệ An, vào hồi 16h18’ đoàn tàu hàng ASY2 đang thông qua đường số II Ga Núi Thành, Quảng Nam thì va chạm với tàu số hiệu 2469 bị dồn vượt quá mốc xung đột khiến 2 đầu máy và 5 toa xe hàng bị trật bánh. Cùng ngày, 16h30 tàu hàng 27 toa chở đá hộc và thạch cao trong lúc vào đường số 3 của ga Yên Xuân, Nghệ An thì toa số 3 và 4 bị trật bánh.
Lúc 13h ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy hướng Bắc Nam, khi tới xã Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An đâm vào xe bồn tại đường ngang dân sinh vượt qua đường sắt (có biển báo cấm ô tô) làm tài xế bị thương nhẹ, đường sắt qua khu vực này bị tê liệt trong 90 phút.
Không chỉ gây thiệt hại lớn về người, các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra khiến nhiều đầu máy, toa xe và hàng trăm mét đường sắt bị hư hỏng nặng gây thiệt hại hàng tỉ đồng, làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam nhiều giờ.
Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2017 trên tuyến đường sắt xảy ra 1.367 sự cố chạy tàu, tăng hơn năm 2016 đến 147 vụ. Trong đó có những sự cố rất nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn chạy tàu, như: điều khiển tàu chạy khi chưa có tín hiệu cho phép ở ga Voi Xô (Lạng Sơn); đón hai tàu vào một đường ở ga Suối Vận (Bình Thuận)... Còn những vụ tai nạn trên đường sắt thì liên tục xảy ra trong năm, làm chết 133 người. Điển hình là vụ tai nạn tàu SE2 tại Thừa Thiên - Huế làm chết 3 người, 4 người bị thương; tàu TN1 gặp nạn tại Bình Định làm chết 4 người, 2 người bị thương…
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR liệt kê hàng loạt công việc ngành đã làm để lý giải về trách nhiệm của mình trong đảm bảo an toàn đường sắt. Dù vậy, tai nạn vẫn thường xuyên xảy ra. Theo ông Minh, qua mỗi vụ tai nạn VNR đều có phân tích nguyên nhân để rút kinh nghiệm, có các kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm bớt phụ thuộc con người, xây dựng đường gom để xoá bỏ lối đi tự mở… Tuy vậy, theo ông Minh, hiện nguồn vốn đầu tư cho nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đường sắt rất hạn hẹp và phụ thuộc ngân sách nhà nước. Theo đó, vốn ngân sách cấp hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu duy tu, bảo dưỡng đường sắt. Do thiếu vốn nên việc duy tu, bảo dưỡng bị dồn tích nhiều năm đã ảnh hưởng tới chất lượng đường ray, phương tiện và an toàn.
Nói về biện pháp khắc phục hàng loạt vụ tai nạn giao thông đường sắt thời gian qua có phần lỗi chủ thể là công nhân viên đường sắt ông Minh cho hay thực tế có thể thấy rằng, mỗi vụ tai nạn xảy ra đều có nguyên nhân về điều kiện hạ tầng, thiết bị và ý thức của người tham gia giao thông cùng với sự vận hành của công nhân viên đường sắt. Có vụ tai nạn tích hợp rất nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân là do lỗi của tác nghiệp.
"Chúng tôi đang rà soát tất cả các quy trình, tìm giải pháp để hạn chế những rủi ro mà do tác nghiệp tạo nên để tăng cường hệ thống giám sát kiểm soát, giảm quyền quyết định của chủ thể nhằm hạn chế lỗi do chủ thể mà ở đây là nhân viên ngành đường sắt.
Tổng Công ty cũng đã đưa ra các bài học, phân tích các vụ tai nạn, từng nguyên nhân cụ thể, mổ xẻ từng vấn đề và rà soát các giải pháp giảm sự rủi ro khi tai nạn xảy ra do chủ quan hay khách quan, đồng thời, truyền đạt đến người lao động nhằm hạn chế mức thấp nhất mà rủi ro do tác nghiệp của người lao động gây nên.", ông Minh nói.
Vũ An (TH)