Cho bạn thân vay tiền
Vay dễ, đòi khó
Trước đây, Dũng và Nam là bạn bè chơi thân với nhau từ khi còn học cấp 2, đến nay cũng đã ngót nghét chục năm, Nam có dự định mở công ty làm ăn kinh doanh gạch lát nên thiếu tiền đành vay mượn của Dũng. Có chút ít vốn trong tay, thấy bạn cần nên Dũng cho bạn vay với số tiền là 400 triệu đồng. Vì là bạn thân nên Dũng cũng không cần giấy tờ gì cùng lời hứa sau một năm Nam sẽ trả cả gốc lẫn lãi.
Thấm thoắt 1 năm đã qua, lúc này Dũng cần gấp tiền để lấy vợ cũng như một số dự định trong tương lai, nhớ đến khoản vay giữa mình và Nam nên đã điện thoại cho Nam để lấy lại số tiền đã cho bạn mượn. Do dịch bệnh, cộng thêm với cạnh tranh gắt gao mà công ty của Nam cũng làm ăn thua lỗ; lâm vào thế bí, Nam xin khất mấy hôm và kêu đang đợi đối tác chuyển tiền. Đợi mãi 1 tháng sau vẫn chưa thấy bạn có động tĩnh gì, dần dần bạn bè cũng ngại gặp nhau vì mỗi lần gặp là Dũng lại đề cập đến vấn đề 400 triệu mà Nam đã mượn.
“Cuộc sống của tôi bị đảo lộn hoàn toàn, gia đình áp lực, bạn gái thì giục cưới, bao nhiêu dự định muốn làm đều phải hoãn lại vì vấn đề kinh tế. Đang trong thời gian dịch khó khăn nên tôi cũng không dám đi vay lại vướng cảnh nợ nần. Thế rồi, sau khi bàn bạc lại với gia đình, tôi quyết định đưa vấn đề này cho các luật sư tư vấn và nhờ đến sự giúp đỡ của luật pháp”.
Giải pháp nào?
Tình trạng cho người thân vay số tiền lớn nhưng không hề lập giấy tờ, biên nhận thường diễn ra trong xã hội. Tuy nhiên, cũng không hiếm trường hợp người thân quen dựa vào đó mà trở mặt, không chịu trả lại số tiền đã vay khiến người cho vay rơi vào cảnh khó khăn mà không đòi được tiền. Vậy trong trường hợp này đòi nợ sao cho đúng luật để không phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản là câu hỏi đặt ra đối với không ít người trong cuộc sống hiện nay.
Dưới góc độ pháp lý, trong trường hợp hai bên có quan hệ vay nợ lẫn nhau nên giải quyết thông qua thỏa thuận hoặc thông qua con đường tòa án thay vì đơn phương thực hiện hành vi lấy đi tài sản của người vay để trừ nợ.
Pháp luật tố tụng dân sự quy định rằng, trong trường hợp hai bên có quan hệ vay nợ lẫn nhau và các bên không thỏa thuận được thời gian, thời hạn trả nợ cũng như số nợ phải trả, số lãi phải trả thì bên cho vay có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Pháp luật quy định giao dịch dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Việc cho vay tiền giữa hai bên là giao dịch dân sự được pháp luật công nhận.
Theo Điều 10 Luật Giao dịch Điện tử 2005 thì: “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác”.
Căn cứ theo luật quy định thì tin nhắn, email thỏa thuận việc cho vay tiền cũng đã là giao kết và có thể làm bằng chứng tại Tòa. Để có giá trị chứng minh tốt nhất khi giải quyết tranh chấp tại Tòa thì bên cho vay nên lập vi bằng để ghi nhận những nội dung tin nhắn trong điện thoại và email để làm chứng cứ tại tòa.
Tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập…
Khi có đầy đủ bằng chứng chứng minh người vay tiền đã vi phạm nghĩa vụ phải trả đủ tiền khi đến hạn, thì người cho vay có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bên vay phải có nghĩa vụ trả tiền vay cho mình theo quy định.
Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nếu bị đơn là cá nhân thì thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự là tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Nếu trong trường hợp bên khởi kiện không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì có thể khởi kiện tại tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, căn cứ pháp lý, tòa án sẽ ra một phán quyết cho người cho vay tiền; nếu có căn cứ thì yêu cầu người vay tiền phải trả cho người cho mượn số tiền đã vay. Trong trường hợp này, tòa án nhân danh công lý, nhân danh pháp luật, căn cứ theo quy định của pháp luật để ra một phán quyết hợp pháp.
Trong trường hợp tòa án đã ra phán quyết nhưng người vay tiền vẫn không trả được số tiền đã mượn thì người cho vay vẫn được tiếp tục quyền của mình, đó là yêu cầu tòa án giải quyết. Sau khi có bản án của tòa án thì người cho vay có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành thi hành bản án, nghĩa là tìm hiểu người vay tiền có tài sản ở đâu để thực hiện các biện pháp cưỡng chế cũng như phong tỏa tài sản của con nợ, thu hồi khoản nợ cho chủ nợ.
Để tránh trường hợp như trên xảy ra, cần lưu ý trước khi cho vay tiền thì người cho vay cần phải tìm hiểu kỹ, đồng thời lập các giấy tờ văn bản cần thiết như giấy giao nhận tiền, thời hạn vay, thời hạn trả như thế nào… Và khi xảy ra những tranh chấp thì những giấy tờ này sẽ là căn cứ pháp lý vững chắc để sau này khởi kiện vụ việc ra tòa.