Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Một bệnh nhân bạch hầu ở Đắk Nông đang diễn biến nặng

Một bệnh nhân bạch hầu ở Đắk Nông đang diễn biến nặng
Trường hợp bị bạch hầu ác tính nặng nhất dẫn đến biến chứng tim, suy hô hấp là của một bé trai 13 tuổi tại Đắk Nông.

Tri thức trực tuyến đưa tin, chiều 25/6, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Phó trưởng bộ môn Nhiễm, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết đoàn khảo sát của bệnh viện đã trực tiếp đến hỗ trợ kỹ thuật cho Đa khoa Vùng Tây Nguyên - nơi tiếp nhận điều trị các trường hợp mắc bạch hầu ở tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua.

TS Châu cho biết tính đến thời điểm khảo sát, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đang tiếp nhận 15 trường hợp nghi ngờ bạch hầu. Trong 6 ca dương tính đang điều trị, có 4 trường hợp nhỏ tuổi, đang được điều trị tại khoa Nhi.

Một bệnh nhân bạch hầu ở Đắk Nông đang diễn biến nặng
Các ổ dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hầu hết là vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. 

Trường hợp nặng nhất là bệnh nhi G.A.P. (13 tuổi, người H’Mông, ngụ xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong). Theo bác sỹ Trần Thuý Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhi nhập viện từ ngày 22/6, được các bác sỹ chẩn đoán bạch hầu ác tính trong tình trạng rất nguy kịch với các dấu hiệu sốt cao liên tục, cổ bò, biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhân chưa tiêm ngừa bạch hầu trước đây.

Theo đó, các bác sĩ đang tiến hành đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhi ngay trong đêm. Sau đó, tình trạng huyết động của bé tạm ổn. 

TS Châu đánh giá tình trạng của bệnh nhi còn khả năng diễn biến phức tạp nên sẽ xem xét chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để tiếp tục hồi sức tích cực và theo dõi sát.

Liên quan đến 3 ổ dịch bạch hầu tại Đắk Nông, đến sáng 24/6, địa phương này đã ghi nhận 12 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó huyện Krông Nô có 4 ca, huyện Đắk Glong có 8 ca, 1 trường hợp đã tử vong. Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, trong những ngày qua, Viện đã cử đoàn cán bộ đến những nơi có ổ dịch để hỗ trợ Đắk Nông điều tra 282 trường hợp và tiến hành khoanh vùng dập dịch. Theo ông Viên Chinh Chiến, những ổ dịch tại Đắk Nông đều là những nơi có đông đồng bào sinh sống và cũng là những vùng lõm của tiêm chủng. Nguy cơ này cũng đang tiềm ẩn rất lớn tại các tỉnh trong khu vực  Tây Nguyên khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh tại khu vực này vẫn còn rất thấp.

“Toàn vùng Tây Nguyên từ Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, tỉnh nào cũng có điểm dịch và nguy cơ này đặc biệt quan trọng ở những vùng lõm về tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, cần phát hiện sớm bệnh thì hiệu quả khá nhanh và nâng cao kiến thức chẩn đoán và điều trị y tế cơ sở nhất là những nơi có vùng lõm về tiêm chủng thì cần phải được tập huấn ngay. Về lâu dài, phải tập trung rà soát kết quả tiêm chủng của trẻ em và nếu trường hợp nào tiêm thiếu thì phải tiêm vét, tiêm bổ sung”- ông Viên Chinh Chiến cho biết.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.46609 sec| 634.648 kb