Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Nghề níu giữ tâm hồn ở lại

Nghề níu giữ tâm hồn ở lại
Trong danh mục nghề chắc chẳng ai có thể tìm ra được “nghề níu giữ tâm hồn”. Ấy vậy mà tại Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội lại có một cụm từ nghề nghiệp như vậy để miêu tả chức năng nhiệm vụ của phòng Chăm sóc bệnh nhân Thuyên giảm.

Công việc hàng ngày của 67 y sỹ, hộ lý thuộc phòng Chăm sóc bệnh nhân Thuyên giảm là chăm sóc, hướng dẫn phục hồi cho bệnh nhân tâm thần sau điều trị tại phòng Chăm sóc bệnh nhân Sa sút – Cách ly chuyển đến, họ là những người bệnh đã phục hồi về thể lực nhưng chưa phục hồi về sức khỏe tâm thần.Tỷ lệ cán bộ so với bệnh nhân quá ít ỏi, nhưng với khát vọng đầy tính nhân văn là mong muốn phục hồi lại khả năng sinh hoạt bình thường cho những mảnh đời bất hạnh, đã tạo động lực để tập thể cán bộ phòng vượt qua tất cả.

Nghề níu giữ tâm hồn ở lại

Nghề níu giữ tâm hồn ở lại
Các Tổ điều trị của Phòng Chăm sóc bệnh nhân Thuyên giảm.

592 bệnh nhân tâm thần với 592 hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ cùng chung một đặc điểm hoặc là mất đi nhận thức, tri giác hoặc là mất đi năng lực hành vi thông thường nhất của một con người. Qua tìm hiểu thực tế trong 592 bệnh nhân đang được chăm sóc, phục hồi tại phòng Chăm sóc bệnh nhân Thuyên giảm có 435bệnh nhân mắc các thể bệnh tâm thần phân liệt (thể paranoid, thể thanh xuân, thể không biệt định…), 66 bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần (trong đó có 26 trường hợp rối loạn chậm phát triển tâm thần), 16 trường hợp động kinh tâm thần và 10 trường hợp mắc các thể bệnh tâm thần khác. Những con số về bệnh nhân và các thể bệnh tâm thần nêu trên chỉ có những người làm trong nghề chăm sóc, điều trị phục hồi bệnh nhân tâm thần mới thấu hiểu được những gian nan mà các y sỹ, hộ lý nơi đây phải trải qua.

Với bàn tay và cái tâm với nghề, các y sỹ, hộ lý nơi đây đã không ngại ngần trong công việc, chẳng nề hà khó khăn - họ lặng lẽ, tận tụy chăm sóc cho người bệnh như chăm sóc người thân trong gia đình. Ngày ngày kiên trì hướng dẫn phục hồi từ hành vi nhỏ nhất như đánh răng, rửa mặt, tắm giặt hay vệ sinh đúng chỗ… đến tạo lập những khả năng tham gia các hoạt động lao động, rèn luyện, văn hóa, văn nghệ… từ đó phục hồi cả về thể chất lẫn tâm hồn cho người bệnh tâm thần.

Khi được hỏi niềm vui trong công việc của các cô, các chị là gì? Các lớp người “kỳ cựu”, những người đã theo dõi sự trưởng thành của Trung tâm 36 năm qua đều nói: “công việc của chúng tớ là giúp bệnh nhân thuyên giảm bệnh, nên niềm vui trong công việc chính là sức khỏe của bệnh nhân ngày được nâng cao và những “đứa trẻ to xác” kia có thể tự tắm, tự giặt, tự phục vụ sinh hoạt cá nhân của bản thân, lấy lại được cơ bản những khả năng vận động của một con người bình thường”. 

Niềm vui công việc đó tuy giản dị, nhưng đâu phải dễ làm. Để có được sự phục hồi cơ bản cho bệnh nhân tâm thần đòi hỏi sự kì công, kiên trì hướng dẫn người bệnh với thời gian hàng năm, thậm chí hàng vài năm, vì thực tế hai chữ “mãn tính” không chỉ gắn liền cả đời với người bệnh tâm thần nơi đây mà còn gắn liền với tư duy, cách nghĩ và những ánh mắt dò xét của người bình thường ngoài cộng đồng.

Nghề níu giữ tâm hồn ở lại

Nghề níu giữ tâm hồn ở lại
Cán bộ hướng dẫn bệnh nhân các công việc thường nhật.

Chắc hẳn nhiều người cho rằng “các anh chị chỉ nói quá để nâng cao vai trò của mình lên,chứ làm gì đến nỗi thế” hoặc “ở nhà bố mẹ các anh chị ốm đau còn chẳng chăm được nữa là chăm người dưng nước lã, mà lại còn tâm thần nữa chứ”… Thôi kệ! đó là quan điểm của mỗi người, nhưng để nhận xét chính xác nhất phải là những gia đình có người thân không may mắc bệnh tâm thần mới thấu hiểu được cán bộ làm việc nơi đây.

Đến khu tiếp dân, chúng tôi may mắn được tiếp chuyện bác Trần Thị Y, mẹ  anh Trần Văn T một trong những bệnh nhân đủ điều kiện về sức khỏe tâm thần được tái hòa nhập cộng đồng.

Nghề níu giữ tâm hồn ở lại

Nghề níu giữ tâm hồn ở lại
Công tác tổ chức thăm gặp cho gia đình bệnh nhân tại Trung tâm.

Khuôn mặt rạng rỡ niềm vui được đón con về nhà như lan tỏa sang cả những gia đình đang thăm gặp người thân ở xung quanh, sự vui tươi ấy cũng chẳng thể khỏa lấp hết những nét thăng trầm của cuộc sống phủ trên khuôn mặt của một phụ nữ ở độ tuổi 67, chậm rãi bác Y thổ lộ “nhà tôi nghèo lắm, giờ chỉ có hai mẹ con, thằng T bị bệnh từ 2001 thường xuyên bỏ nhà đi lang thang gặp gì ăn đấy, gặp đâu ngủ đấy, xin ăn không được thì cướp… những lúc như vậy tôi phải lần tìm khắp nơi đưa nó về nhà. Bán hết nhà cửa ở trong nội thành ra thuê nhà ở Huyện Thanh Trì để có tiền chạy chữa mong cho nó khỏi bệnh mà chẳng được, đến 2009 cùng kiệt quá tôi phải nhờ đến sự quan tâm của chính quyền các cấp cho nó lên trên này, xác định là cho nó vào đây vĩnh viễn đến khi nào tôi chết thì nhờ trên này nuôi dưỡng nó chứ chẳng hy vọng đến ngày nó về với tôi. Nó khỏi bệnh như thế này phải cảm ơn các bác trong Ban Giám đốc và các cô các chú ở đây nhiều lắm”, nói đến đây bác Y quay sang anh con trai nói với anh T giọng như đùa mà chan chứa niềm hy vọng “mày về lấy vợ có con cho mẹ bế nhé”. Nhìn anh T cười nói “mẹ yên tâm con còn phải làm ra tiền để nuôi mẹ đã chứ, còn lấy vợ cứ từ từ” mà vừa cảm động vừa lặng lẽ thở dài thương cảm, thầm nguyện “ Mong rằng tâm hồn vui tươi ấy luôn ở lại với anh và ở lại với gia đình”….

Để “tâm hồn ở lại” với mỗi bệnh nhân tâm thần, có thể khẳng định không chỉ là sự cố gắng của tập thể cán bộ tại Trung tâm, sự quan tâm của gia đình bệnh nhân mà còn cần lắm sự chung tay của cộng động, của toàn để trợ giúp bệnh nhân khi phục hồi được trở về tận hưởng cuộc sống đời thường như bao người khác.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.49928 sec| 645.555 kb