Ngày sinh nhật Đại tướng năm nay đúng vào ngày lễ Vu lan, lại vào ngày cuối tuần nên người đến với Đại tướng không ngớt. Việc chung, việc riêng mọi người đều tạm gác lại để đến tri ân vị Tổng Tư lệnh kính yêu của dân tộc. Trong lòng ai cũng mang một cảm xúc khó tả, đó là xúc động, cảm mến, biết ơn sâu sắc đối với Đại tướng.
Sáng 25/8, giữa dòng người đến tưởng nhớ ngày sinh nhật Đại tướng, PV Người Đưa Tin bắt gặp hình ảnh khá đặc biệt: Một người phụ nữ lỉnh kỉnh ôm theo chậu hoa bạch trà đang trổ hoa rực rỡ. Hỏi ra mới rõ, người phụ nữ tay xách nách mang kia là chị Thu Hòa ở Hà Nam. Chị cho biết: “Sáng sớm hôm nay, tôi đã bắt chuyến xe khách sớm nhất lên Hà Nội để được là một trong số những người đầu tiên bước vào nhà Đại tướng trong ngày sinh nhật Bác”.
Đây là lần đầu tiên chị Hòa đến ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Chị kể, bố chị là cựu chiến binh nên gia đình có tình cảm rất đặc biệt với cố Đại tướng. Ngày trước, khi bố chị còn sống, cứ có dịp lên Hà Nội là ông lại ghé qua nơi này, thắp một ngọn nến nhỏ tưởng nhớ đến Đại tướng. Biết Đại tướng rất thích hoa bạch trà nên tại quê nhà Hà Nam, bố chị Hòa đã gây dựng một khu vườn nhỏ trồng toàn bạch trà. Cứ mỗi năm đến ngày sinh nhật Đại tướng, bố chị lại mang một chậu hoa nhỏ đến đây.
Chị Hòa chia sẻ, năm nay bố chị đã đi xa mãi mãi nhưng trước khi đi ông có một tâm nguyện muốn chị hoàn thành là thay ông mang chậu hoa bạch trà này dâng lên Đại tướng trong ngày kỉ niệm sinh nhật. Không chỉ muốn hoàn thành tâm nguyện của bố, chị Hòa còn muốn tự mình đến đây để bày tỏ tấm lòng thành kính với Đại tướng.
“Qua những lời kể của bố, qua những thước phim, trang sách mà tôi từng xem, trong trái tim tôi đã hình thành nên thứ tình cảm rất đặc biệt đối với Đại tướng. Đó là sự trân trọng, biết ơn, lòng cảm mến sâu sắc. Hơn ai hết, tôi nghĩ Đại tướng như người cụ, người ông kính yêu trong gia đình”, chị Hòa xúc động.
Trên tay cầm theo tấm ảnh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Trí Bảo dẫn theo đứa cháu nội 6 tuổi đi vào nhà tưởng niệm Đại tướng. Ông Bảo kể, năm nào ông cũng ghé qua đây vào 3 ngày: 25/8 sinh nhật Đại tướng, 4/10 ngày Đại tướng mất và 22/12 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Là cựu binh từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, lời chỉ đạo của vị Đại tướng năm đó vẫn luôn văng vẳng bên tai ông: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Đó là lời thúc giục, động viên, khích lệ tinh thần của toàn đội quân.
Ông Bảo chia sẻ thêm: “Gần 5 năm kể từ ngày Đại tướng đi xa nhưng chưa một lần tôi đến được đảo Yến – nơi yên nghỉ của Đại tướng. Đến nhà số 30 Hoàng Diệu như là một cách khỏa lấp bớt phần nào ước muốn đó của tôi. Tại đây tôi như được gần Đại tướng thêm chút nữa”.
Năm nay, nhân dịp ngày nghỉ, ông Bảo dẫn theo cháu trai của mình đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây coi như là buổi ngoại khóa thực tế cho những câu chuyện lịch sử mà ông kể với bé ở nhà. Người cựu binh luôn mong mỏi cháu mình có thể ghi nhớ và phát huy truyền thống anh hùng mà các thế hệ trước đã để lại.
Ông Bảo cho hay: “Những đứa trẻ này có thể không phải cầm súng, không biết mùi thuốc súng nhưng nó phải biết các thế hệ trước đã hi sinh những gì để có những ngày bình yên như hôm nay”.
108 năm kỉ niệm ngày sinh Đại tướng, 5 năm ngày Đại tướng ra đi nhưng những giá trị mà Bác Giáp để lại cho dân tộc Việt sẽ còn trường tồn theo năm tháng. Những thế hệ con cháu Việt Nam sẽ còn viết tiếp những trang sử vẻ vang mà các thế hệ cha, ông đã để lại.
Thanh Thúy