Ghi nhận tại khu vực quanh bến xe Miền Đông chiều 26 và sáng 27/4, xe cộ di chuyển một cách chậm chạp. Nhiều hành khách phải nhảy xuống chạy bộ vào bến xe để kịp mua vé. Lượng xe trong bến quá đông, hàng đoàn xe khách nối đuôi nhau xếp hàng dài ngoài đường.
Khách mua được vé nhưng vẫn phải ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ khiến cho tình trạng nhà chờ bến xe chật kín.
Cô Nguyễn Thị Thoa (TP Buôn Ma Thuật) cho biết: "Tôi lên thành phố từ sáng để khám ở bệnh viện trợ Rẫy, giờ về. Vé xe dịp này rất là khó mua, đặt đủ các loại xe mà vẫn không có vé, xong phải ra bến chờ, để có vé nào thì đi thôi. Đặt xe quá cực. Từ 12 giờ trưa tới giờ, có vé rồi mà vẫn phải chờ đến 23 giờ mới được lên xe".
Bạn Nguyễn Văn Đức ( Đại học An Ninh Nhân dân) mua vé về Ninh Thuận chia sẻ: "Do đặc trưng trường mình học, mình không biết chính xác ngày được nghỉ nên việc đặt vé rất khó khăn. Lúc mình đặt là vé không còn luôn. Cái vé này là mẹ mình qua rất nhiều quầy vé, may sao có một bạn không đi nữa nên mới mua được".
Việc lo ngại nhất của các bến xe không phải là công tác chuẩn bị và phục vụ mà là tình trạng ùn ứ tại các tuyến đường về bến xe và từ bến xe đi các tỉnh, gây chậm tuyến ảnh hưởng đến tình trạng phục vụ chung.
Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, dịp cao điểm lễ 30/4 và 1/5, đường sắt Sài Gòn sẽ tổ chức chạy thêm 87 chuyến tàu, chủ yếu đi đến các địa điểm phát triển du lịch ở nhiều địa phương.
Ngoài các đôi tàu đang hoạt động trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, từ 25/4 đến 5/5 ngành đường sắt sẽ tăng cường một số chuyến tàu để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo đó, sẽ có 87 chuyến tàu với gần hơn 43 ngàn chỗ được tăng cường ở các chặng giữa ga Sài Gòn đến một số điểm du lịch như Phan Thiết, Nha Trang...và một số tuyến có nhu cầu đi lại cao như Sài Gòn - Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Nha Trang đến Thừa Thiên Huế…
Tùy tình hình thực tế, công ty sẽ bố trí thêm một số đoàn tàu để phục vụ người dân. Hành khách có nhu cầu mua vé có thể vào các website dsvn.vn hoặc vetau.com.vn, tại các nhà ga, đại lý của ngành đường sắt…
Từ bến xe Miền Đông, các tuyến đường dẫn vào bến xe, người xe ra vào liên tục. Nhiều lúc, dòng xe từ cầu Bình Triều đổ vào bến xe xung đột với dòng xe từ Hàng Xanh đi trên Quốc lộ 13 rẻ vào bến xe khiến cho giao thông ở khu vực trước cổng bến xe trên đường Đinh Bộ Lĩnh có ùn ứ cục bộ.
Thanh Tâm, sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên đang chờ đến giờ lên xe về Quảng Ngãi nói: “Hôm qua em tới đây là 6g30 để mua vé mà đi hết hàng vé vẫn không có vé. May sao có người nhường vé nên em mới có vé để về”.
Tại một số quầy vé đi các tỉnh như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Đắc Lắc…cũng có rất đông hành khách đến hỏi mua vé. Nhiều người dù đã có gắng tìm mua một chiếc vé về quê nhưng sau nhiều giờ vẫn chưa có vé.
Chị Trần Thị Thoa, làm ở huyện Nhà Bè đang tìm vé về Đắc Lắc và anh Huỳnh Công Sứ, tìm mua vé về Nha Trang nói: “Mình đi mua vé về Đắc Min nhưng không có vé, đi một số quầy mà không có, hết vé rồi. Mình đi trước một ngày, sợ ngày mai khó có vé mà ra ngoài cũng hết, ví dụ như Hoàng Long chỉ còn có vé nằm vào buổi tối. Em đi Nha Trang mà chưa có vé. Xác định là từ đây đến chiều nếu có vé nào đi vé đó thôi”.
Đại diện bến xe cho biết, hôm nay lượng khách qua bến chỉ khoảng 25 – 30 ngàn khách và cao điểm sẽ rơi vào ngày 28/4 với khoảng 48 ngàn lượt khách. Bến xe cũng đã lên mọi phương án để sẵn sàng phục vụ hành khách trong mọi tình huống.
Còn ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng phòng điều hành, Bến xe miền Tây cho biết, dự kiến ngày 27/4 sẽ đạt 55 ngàn lượt khách. Cao điểm phục vụ dịp lễ sẽ là ngày mai với dự báo lượng khách qua bến có thể đạt từ 62 – 65 ngàn lượt khách, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Bến cũng đã chuẩn bị đầy đủ phù hiệu xe, dự trù 50 xe buýt để đảm bảo giải tỏa hành khách khi tăng cao. Công tác an ninh trật tự trong bến và các tuyến đường trước bến xe được chú trọng.
Tuy nhiên, điều mà bến xe miền Tây lo ngại là tình hình ùn tắc giao thông ở các tuyến đường về miền Tây và từ miền Tây lên bến xe sẽ dẫn đến chậm chuyến, ảnh hưởng đến tình hình phục vụ chung.
Bến phà Cát Lái vẫn chỉ sử dụng 5 phà để phục vụ và có thể tăng lên 6 phà. Lượng khách qua phà dự kiến đạt khoảng 70 – 75 ngàn lượt và bến phà sẽ sự dụng toàn bộ 7 bến phà để phục vụ hành khách trong ngày cao điểm. Cao điểm phục vụ khách sẽ là ngày 30/4 và 1/5, đông đúc ở chiều từ Đồng Nai về TPHCM với dự báo lượng khách có thể đạt gần 100 ngàn lượt.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong, phụ trách bến phà Cát Lái, hiện bến phà vẫn đang làm thủ tục xin điều chuyển thêm 2 phà tải trọng 200 tấn từ phà Vàm Cống về để phục vụ tốt hơn hành khách trong các dịp lễ.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn khuyến cáo là hành khách chấp hành tốt phân luồng, tránh đi ngược xảy ra ùn, gia đình có trẻ nhỏ nên chọn các khung giờ phù hợp… “Gia đình có các trẻ em đi thì cũng ảnh hưởng nhiều. Khuyến cáo các bạn trẻ thì đi sớm hơn, về muộn hơn vì bến phà hoạt động 24/24. Gia đình có trẻ em thì tránh khung giờ 8 – 10g và 16g – 18g30 vì không thể nào tránh khỏi ùn tắc”, ông Tuấn cho biết.
Để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc, các lực lượng như cảnh sát giao thông thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng đã tăng cường lực lượng, mở cao điểm phục vụ người dân.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các tuyến đường xung quanh bến xe, các cửa ngõ của thành phố.
Ông Phạm Lê Lâm, Phó đội trưởng Đội tham mưu, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM phát biểu: “Thanh tra Sở phối hợp với các bến xe tuyên truyền các chủ phương tiện, lái xe chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật của xe và của tài xế trước khi xuất bến. Ngoài tăng cường thanh kiểm tra ở bến xe thì các địa điểm khác thường xuyên có hoạt động đón trả khách phức tạp hay vi phạm thì sẽ phối hợp với CSGT để tăng cường xử lý theo thẩm quyền”.
Thời tiết dịp lễ năm nay tiếp tục nắng nóng kéo dài thì sẽ gây bất lợi cho người dân nên các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo hành khách nên chọn lộ trình phương tiện đi lại phù hợp, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.