Đây là điều hết sức bất ngờ, vì trước đó, đơn vị này đã dây dưa, phản ánh lên tổng cục Thuế, bộ Tài chính và xin gia hạn.
Ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng cục Thuế TP.HCM cho biết: "Nguyễn Kim đã nộp số thuế bị truy thu gần 150 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Điều này thể hiện sự hợp tác và đưa vụ việc diễn tiến theo chiều hướng tích cực".
Với dư luận, đặc biệt là người lao động tại siêu thị điện máy này là điều hết sức bất ngờ. Vì trong vài ngày nay, diễn tiến vụ việc đang ở những chiều hướng khác nhau. Chính Nguyễn Kim đã có văn bản xin gia hạn nợ đến ngày 20/7, chờ có nguồn tiền để nộp vào ngân sách.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Nguyễn Kim không muốn kéo dài vụ việc vì ảnh hưởng tới uy tín và sự cạnh tranh trên thương trường. TS Nguyễn Văn Thắng, giảng viên trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định: "Họ thừa hiểu rằng để vụ việc kéo dài là không có lợi, nhất là trong bối cảnh sự cạnh tranh là hết sức khốc liệt giữa các nhà phân phối, bán lẻ hàng điện máy. Trong khi đó, truyền thông đang nhắm vào họ từng ngày, theo dõi từng "đường đi nước bước" của Nguyễn Kim trong mọi hành động liên quan tới vụ việc".
"Hơn nữa, người tiêu dùng cũng sẽ có thái độ e dè và bớt thiện cảm với Nguyễn Kim. Điều này là tai hại nhất", chuyên gia này chia sẻ thêm.
Trước đó, Nguyễn Kim đã có văn bản gửi cục Thuế TP.HCM giải trình về những thắc mắc của họ. Tuy nhiên, quan điểm của cục Thuế là vẫn truy thu số tiền theo quyết định đã ban hành đối với Nguyễn Kim.
Đồng thời, chi cục Thuế quận 1 (TP.HCM, nơi Nguyễn Kim đặt trụ sở hoạt động) đã có văn bản gửi tới 18 ngân hàng, nơi doanh nghiệp này mở tài khoản để yêu cầu cưỡng chế 26 tài khoản giao dịch của Nguyễn Kim.
Sở dĩ có vụ việc này là có đơn thư phản ánh của người lao động tại chính doanh nghiệp này. Sau đó, cục Thuế TP.HCM đã thanh tra và ký quyết định truy thu, phạt gần 150 tỷ đồng đối với siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Trong đó, truy thu thuế thu nhập cá nhân với số tiền hơn 104 tỷ đồng, phạt hơn 19 tỷ đồng và số tiền chậm nộp hơn 24 tỷ đồng.
Dương Thanh Tùng