Báo Tiền Phong đưa tin, theo thông tin từ gia đình, nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời 5h57 ngày 21/3 tại Bệnh viện Hữu Nghị do tuổi già sức yếu.
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936, quê gốc Yên Thành, Nghệ An, sau ra Hà Nội và học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I năm 1956. Nhạc sỹ Hồng Đăng sáng tác hơn 700 tác phẩm gồm ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu. Ông viết nhiều tác phẩm quy mô từ rất sớm, trong đó có Lửa rực cháy (phỏng thơ Tố Hữu).
Theo VTC News, nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại Yên Thành, Nghệ An, là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Từ năm 1950, khi là học sinh kháng chiến ở liên khu IV, ông đã có những sáng tác đầu tay như: Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ, Đời học sinh...
Nhạc sĩ nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV và V, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc (từ 1989), và Thế giới Âm nhạc (từ 1996). Ông còn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Giao lưu văn hoá Việt - Nhật, Uỷ viên Uỷ ban Quốc gia Thập kỷ phát triển văn hoá quốc tế.
VietNamNet thông tin, nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Đặc biệt, ông đã sáng tác nhạc được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, trong đó có những ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: Hoa sữa (Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (Đời hát rong), Biển hát chiều nay (nhiều phim về đề tài biển), Nỗi nhớ đêm đại dương (Những hạt muối của biển), Biển và cô gái tôi chưa quen (Những ngôi sao nhỏ), Không gian xanh (Vùng trời)...
Ông là người có công trong việc khởi xướng Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam và chính ông cũng được vinh danh trong Con đường âm nhạc năm 2000.