Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Nhiệt điện Thái Bình 2: Dự án 32 nghìn tỷ thành đống sắt vụn, nếu không rót thêm vốn?

Nhiệt điện Thái Bình 2: Dự án 32 nghìn tỷ thành đống sắt vụn, nếu không rót thêm vốn?
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu, đến nay tiến độ tổng thể đạt hơn 84%. Tuy nhiên, dự án đang phải đối mặt với tình trạng chậm tiến độ do thiếu vốn.

Ngày 23/7, tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã có buổi làm việc giữa Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước; ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch PVN; ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình và đại diện nhiều bộ, ngành nhằm bàn cách  tháo gỡ những vướng mắc cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Nhiệt điện Thái Bình 2: Dự án 32 nghìn tỷ thành đống sắt vụn, nếu không rót thêm vốn?
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đang gặp khó khăn.

Báo cáo về tiến độ dự án, ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng ban quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết: theo dự kiến, dự án sẽ phát điện vào năm 2020. Hiện nay, vốn đầu tư đã giải ngân được khoảng 32 nghìn tỷ đồng, tiến độ đạt 84%, thiết kế đạt trên 90%, mua sắm đạt 95%... Tuy nhiên, theo ông Hải, do dòng tiền chậm nên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án.

Ông Hải nói thêm: "Những gì chủ đầu tư làm được đã làm hết rồi, tổng thầu thì rất khó khăn, nhân sự bỏ đi, những người có không còn nhiều. Chúng tôi mong muốn có nguồn lực để thực hiện dự án trong bối cảnh năng lực ngày càng yếu đi, dòng tiền mất cân đối, ngoài tầm xử lý của chủ đầu tư".
Ông Trần Sỹ Thanh về khó khăn của Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: dự án đang rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Trong quá trình triển khai dự án, tổng thầu PVC có nhiều sai phạm, bị khởi tố, bắt giam cả người của tập đoàn và tổng thầu... Các tổ chức tài chính cắt tín dụng, dự án không thể vay được. Thêm vào đó, sự yếu kém của PVC dẫn đến việc thanh quyết toán rất khó khăn.

“PVC đến giờ thực sự tan nát vì dính rất nhiều dự án khác, khởi tố liên tục, không còn người để mà làm. Nhân viên cũng bỏ đi hết, từ chỗ 800 người giờ chỉ còn 300-400 người. Nhiều cán bộ kỹ thuật chuyên môn tốt cũng nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu thay tổng thầu thì còn nguy hiểm hơn. Hiện nay, PVN trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn…”, ông Thanh cho biết.

Ông Thanh thừa nhận, dự án được cấp vốn theo cơ cấu 30/70 (vốn vay/vốn chủ sở hữu), tuy nhiên việc tìm kiếm nguồn vay gần như không thể. Cứ mỗi ngày chậm, dự án phải trả lãi ngân hàng hơn 6 tỷ đồng. Nếu các bộ ngành chần chừ, không có quyết sách sớm dự án sẽ đóng cửa. Vấn đề thiếu hụt nguồn vốn do không được Bộ Tài chính giải ngân, lãnh đạo Tập đoàn PVN kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương cho PVN được dùng nguồn vốn chủ sở hữu giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.

“Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng nguồn tiền này nhưng hãy bật đèn xanh cho chúng tôi đi… Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Bộ Công Thương về mặt kỹ thuật, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về nguồn vốn sử dụng. Hãy cho chúng tôi cơ chế để làm, cho đường để chúng tôi đi”, ông Sỹ Thanh khẳng định.

Nhiệt điện Thái Bình 2: Dự án 32 nghìn tỷ thành đống sắt vụn, nếu không rót thêm vốn?
Các bộ ngành đang cùng làm việc để giải cứu dự án  Nhiệt điện Thái Bình 2.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là thời điểm quan trọng với dự án và hệ thống điện quốc gia. Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng để tháo gỡ cho PVN và Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để có hướng xử lý hiệu quả, đảm bảo thành công dự án và nguồn điện quốc gia. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Nhiệt điện Thái Bình 2 cần rà soát, khẳng định lại các phương án kỹ thuật tương ứng với cơ cấu vốn đầu tư thay đổi, kế hoạch, giải pháp nhằm đảm bảo năng lực của PVN.

Ông Tuấn Anh cho rằng, nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư Nhà nước cho những công trình điện quan trọng.Theo đó, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các bộ gửi ý kiến để Bộ Công Thương tổng hợp trình Thủ tướng dựa trên các đề xuất của PVN.Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính gia hạn các khoản vay nước ngoài cũng như Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện giải ngân cho dự án. “PVN cũng cần chịu trách nhiệm các phương án để tổ chức quản lý, triển khai... đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đảm bảo năng lực tổng thầu, quản trị dự án, các hợp đồng với các nhà thầu khác... khi đề xuất được thông qua”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, dự án nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án quan trọng quốc gia nhằm đảm bảo năng lượng với quy mô lớn về vốn gần 42.000 tỉ đồng. Nếu được đưa vào vận hành, mỗi năm nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp 7 tỉ KWh điện cho cả nước. Ngược lại, nếu không kịp vận hành từ năm 2020, mỗi năm sẽ phải tốn chi phí rất đắt, khoảng 35.000 tỷ đồng, để chạy dầu bù sản lượng điện của nhà máy này, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng.

Cụ thể, năm 2021 thiếu 6,6 tỉ KWh điện, năm 2022 thiếu 11,8 tỉ KWh điện và đỉnh điểm năm 2023 sẽ thiếu 15 tỉ KWh điện. Cứ 1 KWh điện chạy dầu thì ngành điện phải bù đắp thêm 5.000 đồng, như vậy để có 7 tỉ KWh điện bằng chạy dầu sẽ tiêu tốn 35.000 tỉ đồng. "Nếu dự án này vận hành đúng thời gian thì nguy cơ thiếu điện năm 2020 sẽ không còn", "Không nên nghĩ rằng đã chi ra 32.000 tỷ đồng và giờ dự án khó khăn, bế tắc thì xem xét lại mà không tìm cách tháo gỡ", Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ủng hộ phương án bổ sung nguồn vốn để Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 được tiếp tục. Tuy nhiên, ông Hoàng Anh lưu ý PVN cần đánh giá nghiêm túc lại hiệu quả 32 nghìn tỷ đồng đã đầu tư và nguồn vốn được đầu tư tiếp (nếu được chấp thuận). “Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 42  nghìn tỷ. Nếu đánh giá không hiệu quả, bây giờ chúng ta dừng lại chỉ mất 32 nghìn tỷ, nhưng nếu tiếp tục sẽ mất thêm 10 nghìn tỷ đồng nữa. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng không chỉ cơ cấu lại tổng thầu mà còn phải đánh giá hiệu quả dự án”, ông Hoàng Anh nói.

Ông Bùi Sơn Trường, Giám đốc ban điều hành dự án nhiệt điện Thái Bình 2 chia sẻ: “Dự án này là tài sản, là của nhân dân, của đất nước. Nếu để nó thành đống sắt vụn thì đau xót vô cùng”. Ông Trường cho hay: Nếu giải quyết được vấn đề tiền và cơ chế thì chúng ta không bị lãng phí 32 nghìn tỷ đã bỏ ra. Còn nếu tiền về chậm, chứ chưa nói đến chuyện không bỏ tiền nữa, thì chậm ngày nào phát sinh thêm chi phí ngày đó.

Ông Trường chia sẻ: Tiến độ dự án kéo dài thì chi phí cho bộ máy ban điều hành cũng tăng lên. Mỗi tháng chi phí cho ban điều hành, từ lương đến bảo vệ, điện nước, xe cứu hỏa, cứu thương,... tốn khoảng 3,5 tỷ đồng/tháng. Đó là những chi phí bất biến để duy trì bộ máy. Như vậy, chậm tiến độ 1 năm phải bỏ ra thêm hơn 40 tỷ đồng. Nếu chậm tiến độ 2 năm thì riêng số tiền này đã lên đến 80 tỷ.
 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.48852 sec| 659.484 kb