1. Bóng đá nam lần đầu tiên giành HCV SEA Games
Sau 60 năm đằng đẳng chờ đợi, bóng đá nam Việt Nam mới chạm đến bộ HCV Đông Nam Á vận hội. Đoàn quân của HLV Park Hang Seo lên ngôi vô cùng thuyết phục, đặc biệt là 2 chiến thắng đậm ở 2 trận bán kết và chung kết, lần lượt với tỷ số 4-0 (trước Campuchia) và 3-0 (trước Indonesia), cho thấy sự vượt trội của chúng ta so với phần còn lại của giải.
2. Bóng đã nữ bảo vệ thành công ngôi hậu SEA Games và Đông Nam Á
Ở 2 giải đấu liên tiếp diễn ra trong vòng ít tháng, đội bóng của HLV Mai Đức Chung đều lên ngôi, sau khi đánh bại Thái Lan trong trận chung kết, bằng bàn thắng được ghi ở hiệp phụ. Đầu tiên là chiến thắng 1-0 trong trận chung kết giải bóng đá nữ Đông Nam Á hồi tháng 8, ngay trên đất Thái, tiếp đó là trận thắng khi tranh HCV SEA Games vừa diễn ra, tại Philippines.
Điều đáng mừng hơn nữa là xã hội ngày càng quan tâm và ngày càng trân trọng đóng góp của những cô gái đá bóng. Con số tiền thưởng kỷ lục khoảng 22 tỷ đồng mà đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được nhận sau thành tích giành HCV SEA Games 30, chính là sự phản ánh rằng bóng đá nữ đang được xã hội quan tâm hơn trước.
3. Việt Nam dẫn đầu bảng G ở vòng loại World Cup 2022
Khó khăn được dự báo cho Việt Nam ở giai đoạn hai vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, vì chạm mặt ba láng giềng đáng gờm là Thái Lan, Indonesia và Malaysia, cùng đội bóng hùng mạnh UAE. Nhưng một lần nữa, thầy trò Park Hang-seo khiến tất cả phải ngỡ ngàng.
Qua năm trận, Việt Nam đang bất bại, với ba thắng và hai hòa, chễm chệ trên đỉnh bảng. Trong hành trình đó, đội tiếp tục chứng tỏ vị thế quyền lực số một Đông Nam Á, khi đánh bại Malaysia, Indonesia, xen giữa hai trận hòa Thái Lan. Không những thế, Tiến Linh và các đồng đội còn gây sốc khi hạ ứng cử viên nhất bảng UAE 1-0, gián tiếp khiến HLV lừng danh thế giới Bert van Marwijk bị sa thải.
Cục diện hiện tại đặt thầy trò Park Hang-seo vào thế thuận lợi để đua tranh suất đi tiếp vào giai đoạn cuối cùng - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Cơ hội làm nên kỳ tích đang chờ đợi Việt Nam với ba trận đấu phía trước: làm khách trên sân Malaysia (ngày 31/3), tiếp Indonesia ở Mỹ Đình (ngày 4/6) và làm khách ở UAE (ngày 9/6).
4. Nhiều cầu thủ Việt Nam thử sức ở nước ngoài
Năm 2019 đánh dấu nhiều lượt cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đem lại thành công. Thái Lan đã đón nhận hai cầu thủ là thủ môn Văn Lâm sang Muangthong United, Xuân Trường sang Buriram United. Nhưng chỉ sau nửa mùa bóng chỉ còn Văn Lâm là trụ lại, trong khi Xuân Trường lặng lẽ về lại với V-League cùng HA.GL.
Công Phượng sang Hàn Quốc cũng không thành công khi thường xuyên ngồi ghế sự bị. Sau đó chuyển sang Bỉ cũng không khá hơn và cuối năm 2019 đã có được hợp đồng với CLB TPHCM. Còn Văn Hậu cũng có điều kiện thử sức tại Hà Lan trong màu áo CLB Heereveen, nhưng số lần ra sân cũng ít ỏi. Gần nhất là anh được tung vào khoảng 4 phút cuối trong trận đấu ở Cúp Quốc gia ở thời điểm đội nhà đang dẫn 2-0.
Nhìn chung, giấc mơ xuất ngoại và đá chính với các cầu thủ Việt Nam vẫn còn lắm thử thách.
5. Việt Nam vào tứ kết Asian Cup
Sang UAE dự giải vô địch châu Á, thầy trò Park Hang-seo mang theo hành trang là chức vô địch AFF Cup 2018. Tuy nhiên, con đường chinh phục đỉnh cao châu lục không hề bằng phẳng, khi đội nằm cùng bảng D với Iran, Iraq và Yemen.
Sau khi thua ngược Iraq 2-3, Việt Nam tiếp tục thất bại 0-2 dưới tay ứng viên hàng đầu Iran. Nhưng ở vào thế chân tường, đội đã đánh bại Yemen 2-0 để đi tiếp với tư cách một trong bốn đội xếp thứ ba đạt thành tích tốt nhất. Ở vòng 1/8 với Jordan, Việt Nam thắng luân lưu 4-2 sau khi hòa 1-1 trong 120 phút.
Dù dừng bước ở tứ kết, khi thua Nhật Bản 0-1 vì quả phạt đền được xác định bởi VAR, Quang Hải, Công Phượng... và các đồng đội vẫn có thể ngẩng cao đầu. Đây là lần thứ hai trong lịch sử Việt Nam vào đến tứ kết sân chơi cao nhất châu lục (lần trước diễn ra năm 2007, khi thầy trò Alfred Riedl đá vòng bảng trên sân nhà và giải chưa có vòng 1/8). Thành công lần này đồng thời đặt nền móng cho những hành trình ấn tượng tiếp theo trong năm 2019. "Việt Nam đã chứng minh được rằng họ thuộc về đấu trường lớn nhất châu Á", Fox Sports Asia bình luận.
6. HLV Park Hang-seo gia hạn hợp đồng
Trong hơn hai năm làm việc, từ tháng 10/2017, thầy Park giúp bóng đá Việt Nam liên tiếp lập kỳ tích ở các giải U23 châu Á, Asian Games, AFF Cup, Asian Cup... đồng thời, chơi ngang hàng trước các đối thủ mạnh nhất châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Iraq... Nhưng hợp đồng cũ giữa ông với VFF chỉ có hiệu lực đến tháng 1/2020. Vì thế, việc giữ chân HLV sinh năm 1959 trở thành mối bận tâm lớn.
Trải qua nhiều vòng đám phán, chiều 5/11, đôi bên mới công bố việc ký hợp đồng mới có hiệu lực hai năm, kèm điều khoản tự động gia hạn một năm. Lương của thầy Park được tăng hơn gấp đôi so với mức cũ (từ 20.000 USD lên khoảng 50.000 USD mỗi tháng). Đổi lại, chiến lược gia người Hàn Quốc sẽ nắm đồng thời ba đội tuyển gồm đội tuyển quốc gia, đội U22 và đội Olympic, cùng chỉ tiêu vào chung kết mọi giải đấu ở Đông Nam Á như SEA Games, AFF Cup...