Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Nợ tới đường cùng, vẫn còn dính bẫy

Nợ tới đường cùng, vẫn còn dính bẫy
Nợ nần chồng chất do vay tín dụng đen, các con nợ còn đối mặt với nhiều cạm bẫy, nguy hiểm đến tính mạng thậm chí còn được mời chào mua bán nội tạng để... trả nợ!

Chia sẻ trên mạng , rất nhiều người cho biết hiện đang là con nợ của nhiều tổ chức tín dụng đen với số tiền lớn nhỏ từ chục triệu đến vài trăm triệu. Bản thân con nợ bị đòi nợ khắp nơi, không còn uy tín, danh dự, sống nay đây mai đó, gia đình, bạn bè quay lưng, không có công việc ổn định, trượt dài trên con đường bài bạc, nợ nần. 

Mặc dù đã ở hoàn cảnh “bi đát”, song những người này vẫn là đối tượng nhắm đến của các tổ chức đánh bạc, tài xỉu quy mô xuyên quốc gia, tín dụng đen, lừa đảo vay tiền qua app… 

Gần đây, xuất hiện nhiều bài đăng tuyển nhân sự đi làm tại Campuchia với lời chào mời việc nhẹ lương cao từ 5-30 triệu đồng/tháng, song sau khi tham gia, mọi người mới vỡ lẽ đây chỉ là chiêu trò moi tiền tinh vi, dụ dỗ các đối tượng tham gia đánh bạc, chạm vào đáy lòng tham, cơn “khát tiền” của các con nợ đã lâm vào đường cùng. 

Cụ thể, tài khoản T.P – một thành viên của “Hội Bùng App Vay Tiền Và Chia Sẻ Cách Đối Phó” có đến gần 19.000 thành viên trên mạng xã hội facebook kể lại, sau khi nhận được tin nhắn giới thiệu việc làm 500.000 đồng/ngày tại Campuchia, T.P được mời vào nhóm tài xỉu làm nhân viên. Nhóm này quy định, nếu làm đủ, mức cao nhất sẽ được hưởng 200.000 đồng, một người mỗi ngày tối đa làm được 2 lần, nhận về cho mình mức thu 400.000 đồng.

Tuy nhiên, ngay khi nhận về 400.000 đồng, các thành viên trong nhóm đã rủ rê T.P dùng ngay số tiền này tham gia chơi tài xỉu, nhận thấy đây chỉ là chiêu “lùa gà”, dụ dỗ các con nợ tiếp tục trượt dài trên con đường đỏ đen, bài bạc, T.P nhanh chóng rời khỏi nhóm. 

Nợ tới đường cùng, vẫn còn dính bẫy
Chiêu “lùa gà”, dụ dỗ các con nợ tiếp tục trượt dài trên con đường đỏ đen, bài bạc. 

Không chỉ các các con nợ là nam giới có “máu” đỏ đen trong người mà nhiều đối tượng là nữ giới đang vướng nợ nần do bất kể nguyên do gì cũng dễ rơi vào “rừng” cạm bẫy bủa vây sẵn ngay trên không gian mạng. Gần đây, nhiều đối tượng công khai tìm các chị em “không may chơi lô đề, cờ bạc thua không còn khả năng trả nợ, cần tiền gấp thì liên hệ có công việc làm, bao ăn ở cho người ở xa”. 

Mặc dù cam kết người thật, việc thật không lừa đảo song những bài đăng này nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng đây chỉ là chiêu trò nhằm dụ dỗ phụ nữ bán dâm hoặc buôn bán người, buôn bán nội tạng, cần cảnh giác và tránh xa nếu không muốn gặp phải bất trắc, bởi đã vào hội nhóm bùng nợ thì con đường làm ăn chân chính dường như đã khép lại. 

Dù không còn khả năng trả nợ song nhu cầu vay tiền của các con nợ vẫn luôn hiện hữu, cộng thêm tính “liều” khi bị nợ dồn vào chân tường, nhiều đối tượng vẫn chào mời các gói vay “tiền tươi” với mức lãi suất “cắt cổ”. Cụ thể, với gói vay 5 triệu đồng, người vay sẽ phải trả góp 250.000 đồng/ngày trong vòng 25 ngày, tương đương với mức lãi 25%/25 ngày. Điều kiện vay rất đơn giản, người vay chỉ cần để lại căn cước công dân, nhưng nếu góp tiền trễ hẹn, con nợ sẽ bị… “chém”. 

Nguy hiểm hơn, các đối tượng bùng nợ còn liên tục được mời chào “hiến thận cứu người”, được hậu tạ cao từ 280 – 300 triệu đồng, kèm theo đó là khoản chi phí bồi thường sau phẫu thuật từ 20, 30 đến 50 triệu đồng. Người hiến được hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn, ở, khám, xét nghiệm toàn bộ nhưng yêu cầu bắt buộc phải nhận được sự đồng ý của gia đình, người thân. 

Đang nợ nần chồng chất, tưởng như không còn gì để mất, N.N.Y - thành viên của “Hội Bùng App Vay Tiền Và Chia Sẻ Cách Đối Phó” cảm thấy như người chết đuối vớ được phao cứu sinh, lập tức bình luận dưới bài đăng “cảm ơn thông tin của bạn, tôi đi hiến đây”. 

Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ Y hỏi về việc hiến thận thì Y cho biết, sau khi trao đổi với bên có nhu cầu mua thận, mặc dù rất muốn bán thận lấy tiền trả nợ nhưng Y đã từ bỏ ý định vì trình tự thủ tục khá phức tạp, Y lo ngại khi mất đi một quả thận, tình trạng sức khỏe yếu đi, số tiền có được cũng không đủ để Y làm lại cuộc đời, đó là còn chưa kể trường hợp rủi ro, mất nội tạng nhưng không được trả tiền. 

“Họ yêu cầu phải có sự đồng ý của gia đình để tránh kiện tụng nhưng nhà mình làm gì có ai đồng ý xác nhận cho, việc đó thì mình tự viết đơn tự nguyện hiến cũng được nhưng thấy cho mình đi test, kiểm tra các thứ nhiều lần, nuôi vài tháng, lỡ vào đó người ta ép mổ lấy nội tạng thì cũng không biết đường nào mà lần, thôi còn người còn của, chứ đánh liều có khi mất mạng oan”, N.N.Y nói lại. 

Nợ tới đường cùng, vẫn còn dính bẫy
Hình thức vay lãi suất lên đến 25%/25 ngày luôn có sẵn, ngoài ra các con nợ cũng được mời “hiến thận cứu người” với mức hậu tạ cao. 

Bên cạnh những ứng dụng vay tiền online có thể rút được tiền thì thị trường cũng tồn tại không ít các ứng dụng lừa đảo, mạo danh có liên kết với các ngân hàng lớn, uy tín sau đó yêu cầu người vay đặt cọc phí trước khi vay nhưng sau khi chuyển tiền, người vay bị chặn toàn bộ liên lạc. 

Tài khoản T.T - thành viên của “Hội Bùng App Vay Tiền Và Chia Sẻ Cách Đối Phó” trong , do đang cần tiền gấp nên sau khi nhận được của phía vay tín dụng trả góp online, tự nhận liên kết với ngân hàng lớn, bạn của T đã nhờ đối tượng L.Q.C lo thủ tục vay tiền, làm hồ sơ hỗ trợ nợ xấu số tiền vay từ 40 triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng rất dễ dàng. 

Tuy nhiên, đến bước cuối cùng khi xác nhận thông tin tài khoản nhận tiền, đối tượng cố ý làm sai lệch thông tin rồi đề nghị khách hàng đặt cọc tiền hơn 30 triệu đồng để xác minh thông tin, sau khi xác minh đúng chính xác, cả khoản tiền vay và tiền đặt cọc sẽ được chuyển về số tài khoản của người vay. Do cần tiền gấp, bạn của T nghe theo lời của C nhưng cuối cùng bị chặn liên lạc, mất toàn bộ số tiền đã đặt cọc. 

Nợ tới đường cùng, vẫn còn dính bẫy
Thực tế đã có nhiều người bị mất tiền đặt cọc khi vay tiền qua app online. 

Có thể thấy, thực tế có rất nhiều người vay và dính bẫy “tín dụng đen”, song các cạm bẫy vẫn bủa vây con nợ. Vậy nên người vay tiền cần nâng cao cảnh giác cũng như có trách nhiệm với các khoản vay. Trong đó, người vay cần phải hiểu rằng, các tổ chức, cá nhân cho vay với lãi suất cao vượt mức nhà nước cho phép thực chất là “tín dụng đen” núp bóng, thông qua các app hết sức tinh vi. Nhóm người này thực chất là chuyên cho vay nặng lãi nên phải xác định rằng, các đối tượng sẽ dùng đủ mọi cách và không từ một thủ đoạn nào để đòi được khoản nợ trước đó.

Theo chuyên gia tài chính – TS Đỗ , trước mắt, khi chúng ta chưa thể xóa bỏ hoàn toàn được “tín dụng đen”, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh nghiên cứu cho triển khai thêm những hình thức cấp tín dụng siêu nhỏ và vừa khác mà các nước đã triển khai hiệu quả như công ty cho vay ngày, công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe, trung tâm thương mại... để bảo đảm các phân khúc đa dạng của thị trường vay vốn với các mức độ rủi ro cao đều được phục vụ.

Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát luồng tiền tốt hơn. Đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa các tổ chức như ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, các công ty cho vay tài chính… để những khách hàng dưới “chuẩn” của ngân hàng có cơ hội tiếp cận vốn vay tại các tổ chức này.

Ngoài ra, mỗi cá nhân đều phải làm chủ được tình hình tài chính của mình. Trong trường hợp bất khả kháng, cần phải vay nợ, hãy tìm hiểu nguồn tín dụng, đặc biệt nếu vay qua app thì phải là các app được nhà nước cho phép hoạt động. Bởi, với các tổ chức được cấp phép đó, sẽ được pháp luật bảo hộ, thông tin tài chính minh bạch, hợp đồng, lãi suất rõ ràng, người vay sẽ hoàn toàn yên tâm.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.59316 sec| 657.547 kb