Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A mới đưa vào sử dụng từ ngày 2/9 đến nay xuất hiện nhiều ổ gà lồi lõm trên mặt đường. Sau khi nhận được phản ánh, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cử một đoàn công tác trực tiếp vào giám sát hư hỏng xác định nguyên nhân. Vụ việc đang được dư luận quan tâm.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV, PGS.TS Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường đại học GTVT Hà Nội cho biết: “Công trình vừa mới đưa vào hoạt động mà hư hỏng nặng đã thể hiện rõ thi công ẩu, chất lượng quá kém. Đặc biệt lại là tuyến cao tốc phục vụ cho các phương tiện chạy với tốc độ cao thì nguy cơ gây tai nạn giao thông rất lớn. Đây là điều đáng trách, do đó, cần phải đánh giá sự việc cực kỳ nghiêm trọng. Chỉ cần một chiếc xe mất lái là có thể kéo theo hệ luỵ với số người thương vong sẽ rất lớn”.
PGS.TS Toản cho hay: “Chất lượng đường xấu từ đâu thì cũng cần các nhà chuyên môn kiểm tra kỹ lưỡng để đưa ra đánh giá đúng. Chất lượng công trình xấu do nhà thầu làm ẩu thì chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm. Trong đó, bộ GTVT và hội đồng nghiệm thu Nhà nước là những cơ quan nghiệm thu ký vào các biên bản công trình đạt chất lượng, cho thông xe đều phải chịu trách nhiệm”.
“Trách nhiệm với Nhà nước thì chủ đầu tư và bộ GTVT phải đứng ra nhận, cùng với đó là các cơ quan chuyên môn liên quan. Đặc biệt, Bộ trưởng bộ GTVT phải đứng ra chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ. Nếu chất lượng công trình kém để xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại lớn về người và tài sản thì Bộ trưởng bộ GTVT nên từ chức”, PGS.TS Toản nhìn nhận.
Cùng chung quan điểm với PGS.TS Quang Toản, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông JICA cho rằng: “Điều đầu tiên cần phải khẳng định, đường cao tốc vừa mới đi vào hoạt động đã bị hư hỏng là do chất lượng công trình kém. Tuy nhiên, kém ở đâu thì cần phải làm rõ từ các đơn vị liên quan, cụ thể: Đơn vị thi công đã làm đúng với thiết kế và quy hoạch chưa? Đơn vị khảo sát thiết kế, giám sát thi công cũng phải có trách nhiệm. Đặc biệt là chủ đầu tư và bộ GTVT cũng như hội đồng nghiệm thu phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề để nhận lỗi khi công trình yếu kém”.
TS. Đức cũng cho hay: “Bây giờ cần phải truy trách nhiệm các đơn vị liên quan, từ bộ GTVT, hội đồng nghiệm thu cho đến đơn vị thi công, giám sát thì mới tìm ra được nguyên nhân từ đâu. Tránh trường hợp đổ lỗi loanh quanh cho nhau thì mới tìm ra được nguyên nhân. Trong đó, cũng phải xem lại vật liệu có được đưa vào sử dụng đúng với bản thiết kế”.
Trước đó, trong ngày 11/10, sau khi trở về từ hiện trường vụ hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Phó Cục trưởng cục Quản lý đường bộ 3 (tổng cục Đường bộ Việt Nam - bộ GTVT) Nguyễn Thanh Bình tức tốc có văn bản báo cáo cấp trên về công tác sửa chữa, khắc phục các hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cục Quản lý đường bộ 3 cho biết, đã có 2 chuyến kiểm tra thực tế hiện trường hư hỏng mặt đường trên cao tốc. Kết quả kiểm tra ngày 9/11 thể hiện, đoạn Km0-Km65 xuất hiện hư hỏng mặt đường dạng bong bật, ổ gà (bong bật lớp tạo nhám VTO dày 3cm) nằm rải rác.
Cá biệt có một số vị trí ổ gà sâu đến 8cm, một số vị trí mặt đường đầu cầu bị lún (như cầu OP03 Km13+615...). Tuy nhiên, đơn vị thi công chưa cắm biển cảnh báo cho các phương tiện biết để phòng ngừa nguy hiểm khi lưu thông...
Cục Quản lý đường bộ 3 yêu cầu công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS- thuộc tổng công ty Phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư dự án) và ban Quản lý dự án khẩn trương khắc phục hư hỏng, nghiêm túc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn giao thông trong lúc sửa chữa. Hạn đến 20/10 phải xử lý triệt để các hư hỏng theo đúng thiết kế trong hồ sơ.
Đồng thời, khẩn trương triển khai lắp đặt ngay các biển cảnh báo nguy hiểm khi mặt đường xuất hiện hư hỏng, phải chủ động xử lý ngay để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc khi có phát sinh...
Thế Anh