Ngày 24/8, nguồn tin cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với bị can Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) về tội danh Tham ô tài sản theo Điều 353, Bộ luật Hình sự.
Trước đó, bị can Lê Tấn Hùng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Thời điểm đó, bị bắt với ông Hùng còn có ông Nguyễn Thành Mỹ (cựu phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư Sagri) cùng về hành vi nêu trên.
Được biết, tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thuộc UBND TP.HCM quản lý, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.
Năm 2010, SAGRI chuyển thành công ty TNHH một thành viên, bao gồm 6 đơn vị trực thuộc, 9 công ty con, 14 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh.
SAGRI có lợi thế trong việc được giao đất với diện tích hàng ngàn ha, nguồn lực lớn từ vốn, cơ sở nhà đất, trong đó có nhiều vị trí "đất vàng"...
Tuy nhiên, những năm gần đây, việc điều hành, kinh doanh của SARGI đã xảy ra những sai phạm lớn từ việc mua sắm, đấu thầu, triển khai dự án, lập chứng từ, hồ sơ... Trong đó, có trách nhiệm của ông Lê Tấn Hùng và một số thuộc cấp của ông Hùng.
Tháng 10-2017, Thanh tra TP cũng ban hành kết luận thanh tra toàn diện SAGRI. Theo đó nhiều sai phạm về tài chính, quản lý sử dụng vốn, tài sản… của SAGRI được chỉ ra. Đáng chú ý, ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy (kế toán trưởng) có liên quan trực tiếp đến việc ký khống, chi khống hơn 13 tỉ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động học tập nước ngoài.
Hiện cơ quan điều tra của Bộ Công an đang làm việc với các lãnh đạo của 2 công ty du lịch lữ hành trên địa bàn TP HCM vì tiếp tay cho ông Hùng và bộ sậu SAGRI tham ô tiền Nhà nước.
Từ tháng 10 đến tháng 11/2016, ông Hùng với vai trò là tổng giám đốc SAGRI đã ký 10 hợp đồng cho cán bộ, công nhân viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài trị giá 13,3 tỉ đồng. Những bản hợp đồng trên được 2 công ty lữ hành là Công ty TMDV lữ hành Hoà Bình Quốc tế và công ty Du lịch Thanh niên Xung phong thực hiện.
Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh thì phát hiện có 40/70 người có tên trong danh sách không tham gia các chuyến đi. Trong đó, có 30/70 người không có thông tin xuất – nhập cảnh trên hệ thống quản lý của phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM). Khi làm việc với cơ quan điều tra, 2 công ty này thừa nhận ký 10 hợp đồng với SAGRI giai đoạn cuối năm 2016 nhưng không tổ chức các chuyến đi.
Từ xác minh này, cơ quan công an cho rằng SAGRI có dấu hiệu thông đồng với 2 công ty lữ hành xác lập các hợp đồng ảo, xuất hóa đơn khống để chiếm đoạt tiền Nhà nước. Sai phạm này thuộc về trách nhiệm của ông Lê Tấn Hùng và có sự tiếp tay của bà Nguyễn Thị Thuý – nguyên kế toán trưởng của SAGRI. Riêng bà Thúy đã bị khởi tố, bắt tạm giam đầu tháng 7/2019.
Từ kết quả này, UBND TP đã kỷ luật cảnh cáo (nâng mức so với ban đầu là khiển trách) vì đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc kế toán được quy định tại khoản 4, Điều 6 Luật Kế toán năm 2003. Đến đầu năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thi hành kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy.
Vào năm 2018, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục chỉ ra các vấn đề thiếu sót của SAGRI trong việc cho thuê đất, hợp tác đầu tư chưa có ý kiến của cơ quan thẩm quyền, đầu tư kinh doanh trên đất ngoài ngành... Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đề nghị chủ tịch UBND TP xử lý.
Từ đó, UBND TP chỉ đạo Thanh tra TP tiếp tục tiến hành thanh tra, rà soát các sai phạm tại SAGRI. Đến ngày 29/2/2019, Thanh tra TP ban hành kết luận thanh tra số 05 làm cơ sở kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Bộ Công an đang mở rộng điều tra nhiều sai phạm tại SAGRI trong thời gian ông Lê Tấn Hùng làm lãnh đạo. Trong đó có nhiều phi vụ làm ăn mờ ám trong việc khai thác, sử dụng, cho thuê hoặc bán công sản.