500.000 bản sách giáo dục bị in lậu
Tại hội thảo "Chống xuất bản phẩm lậu" ngày 20/6, ông Lê Thành Anh, Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đánh giá tình trạng làm giả, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm giả có xu hướng ngày càng tăng cả về phạm vi, quy mô.
Từ năm 2010 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành.
Những xuất bản phẩm giáo dục bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là Atlat địa lý, đĩa CD ROM nghe nhìn giáo dục. Ngoài ra, các bản sách điện tử (ebooks) của sách giáo khoa, sách tiếng Anh cũng bị phát tán tràn lan trên Internet, với đủ các định dạng, phiên bản, nguồn gốc. "Xuất bản phẩm giáo dục giả, lậu được bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ ở khắp nơi, thậm chí còn được bán trong nhà trường", ông Thành Anh nói.
Cũng theo đó, ông Lê Hoàng Hải – Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục đánh giá việc việc sách giáo dục bị làm giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bạn đọc, mà đối tượng ở đây phần lớn là học sinh, sinh viên. Xuất bản phẩm giả do sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức.
Ngoài ra, xuất bản phẩm giáo dục giả chất lượng giấy in thấp, in bị mờ, không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của học sinh, đặc biệt là thị lực. Việc sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả vi phạm pháp luật ngay trong nhà trường cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật về lâu dài.
Ông Thành Anh khẳng định hệ lụy từ những xuất bản phẩm lậu, giả rất rõ ràng, nhưng việc phòng, chống hiện chưa mang lại nhiều hiệu quả, chế tài xử lý tập thể, cá nhân vi phạm chưa đủ. Theo luật, các hành vi in, tàng trữ, phát hành, nhân bản xuất bản phẩm lậu bị phạt từ 20 đến 200 triệu đồng trong khi lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ các xuất bản phẩm giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị làm giả mà nhiều nhà xuất bản nổi tiếng khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng này. Thái Hà Books bị làm lậu khoảng 150 đầu sách, trong đó nhiều nhất là các cuốn như 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu, Chiến thắng con quỷ trong bạn hay Nuôi con không phải là cuộc chiến.
Để hạn chế tình trạng in và tiêu thụ sách giáo khoa giả, theo ông Lê Hoàng Hải cần phải phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội, cần sự chung tay với thái độ kiên trì, kiên quyết, từng bước đẩy lùi xuất bản phẩm lậu.
“Chúng tôi cũng mong các cơ quan truyền thông góp sức với ngành Xuất bản, ngành Giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả của vấn nạn in và phát hành sách lậu dưới các hình thức trong xã hội, để người tiêu dùng “nói không” với xuất bản phẩm lậu, quyết tâm bài trừ xuất bản phẩm lậu”- ông Lê Hoàng Hải nhấn mạnh.
Theo ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam, các NXB quốc tế, Việt Nam và Vương quốc Anh đều đang phải đối mặt với vấn đề xuất bản phẩm in lậu khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Ông cho rằng để đẩy lùi sách lậu cần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản. Việc này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người dân mà còn giúp cải thiện môi trường kinh doanh khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.