Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) vừa có công văn hỏa tốc gửi đến hàng loạt cơ quan chức năng như UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị vào cuộc bảo vệ cá thể rùa Hoàn Kiếm vừa được phát hiện.
ATP cho biết, cả hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam, một tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) và cá thể vừa phát hiện ở hồ Xuân Khanh đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đến từ hoạt động đánh bắt thủy sản và các dự án phát triển kinh tế xã hội tại khu vực. Hồ Xuân Khanh đang được tư nhân đấu thầu và quản lý.
Với phương thức đánh bắt này (sử dụng các tay lưới dài sắp xếp theo dạng tia rẻ quạt và các hoạt động tạo tiếng ồn, sóng nước nhằm dồn cá vào một túi lưới khổng lồ), cá thể rùa Hoàn Kiếm vừa tìm thấy có khả năng sẽ bị bắt trong những ngày gần đây.
ATP đề nghị, trường hợp cá thể rùa Hoàn Kiếm bị bắt bởi hoạt động đánh bắt cá, cơ quan chức năng cần đưa rùa về nơi an toàn để bảo tồn.
ATP đề nghị UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan có phương án phối hợp cứu hộ và bảo tồn hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam.
Loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) còn có tên gọi khác là rùa Hoàn Kiếm, được xem là loài rùa nguy cấp, quý, hiếm nhất thế giới. Tháng 1/2016, “cụ” rùa khổng lồ, cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng sống tại hồ, với tuổi thọ ước tính hơn 100 tuổi đã ra đi. Rùa Hoàn Kiếm được tin rằng đã gần bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Loài rùa này có tập tính bí ẩn, hiếm khi nổi và lên bờ tắm nắng, thường sử dụng phần lớn thời gian của mình ở các vùng nước sâu. Điều này khiến cho việc định dạng các cá thể được ghi nhận là vô cùng khó khăn và tốn thời gian.
Hạ An (TH)