Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Phó Tổng cục trưởng TCTDTT: Đưa vợ đi cùng là theo ‘thông lệ’?

Phó Tổng cục trưởng TCTDTT: Đưa vợ đi cùng là theo ‘thông lệ’?
Thừa nhận thường xuyên cho vợ "đi ké" đoàn thể thao ra nước ngoài thi đấu nhưng ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao và là Chủ tịch Hiệp hội Paralympic Việt Nam cho rằng đó cũng là theo “thông lệ”.

Tòa soạn PhapluatNet nhận được phản ánh qua đơn kiến nghị của ông V.D.C, là vận động viên bóng bàn khuyết tật của TP. Hà Nội, đồng thời cũng là một thành viên của Hiệp hội Paralympic Việt Nam phản ánh về những bức xúc của ông đối với ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Paralympic Việt Nam và đang là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Trong đơn của mình, ông C. khẳng định, nếu xét về khả năng, đạo đức và tư cách, ông Tuấn không xứng đáng với vai trò của người đứng đầu Hiệp hội thể thao quốc gia. Ông Tuấn đã từng nhiều lần lợi dụng chức vụ quyền hạn để đưa vợ mình là bà Trần Thị Thu Hà đi cùng trong các chuyến Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đi thi đấu nước ngoài. 

ong-pham-van-tuan
Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Paralympic Việt Nam (Ảnh internet).

Cụ thể những chuyến “đi ké” của bà Hà là các chuyến đi: Dự Paralympic 2012 tại London (Anh), dự ASIAN Para Games tại Incheon (Hàn Quốc) và Paralympic 2016 tại Rio (Brazil) với vai trò cán bộ truyền thông. Riêng trong năm 2017, với cương vị Chủ tịch Hiệp hội, ông Tuấn đã ký văn số  03/HHPVN-VP trình Tổng cục Thể dục thể thao cho vợ mình đi Đức từ 19 - 25/02/2017 với cương vị là cán bộ Hiệp hội.

Trong khi đó, theo ông C cho biết, trong giai đoạn từ năm 2012 cho đến nay, bà Hà không phải là người của Hiệp hội hoặc công tác trong các cơ quan, tổ chức có chức năng được đi theo Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam trong các chuyến thi đấu nước ngoài. 

Không dừng lại ở việc đưa vợ đi cùng đoàn thể thao, ông Tuấn còn bị "tố" không hiểu biết về chuyên môn khi không thông qua suất cho vận động viên dẫn đường đi cùng với vận động viên khiếm thị của môn Điền kinh tại đợt tập huấn nhằm chuẩn bị tham dự Para Game 9 tại Malaysia năm 2017. 

Cụ thể là vào ngày 28/12/2016, môn Điền kinh thể thao người khuyết tật đã có văn bản đề nghị lên Hiệp hội Paralympic Việt Nam bổ sung thêm các vận động viên tham gia đợt tập huấn nhằm chuẩn bị cho các giải thi đấu quốc tế trong năm 2017. Trong đó, ngoài 2 vận động viên đạt chuẩn A Paralympic còn có thêm vận động viên dẫn đường. Tuy nhiên, sau đó, trong trong văn bản số 114/QĐ-TCTDTT do ông Tuấn ký ngày 14/2/107 dưới vai trò Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao về việc triệu tập vận động viên, huấn luyện viên tham gia tập huấn từ 15/2 - 31/12/2017, môn Điền kinh chỉ được 4 suất dành cho 3 vận đồng viên (thương tật hạng F57 và T11)  cùng HLV trưởng và không có suất dành cho vận động viên dẫn đường. 

tru-so-TCTTTT
Trụ sở của Tổng cục Thể dục Thể Thao.

Trao đổi với một chuyên gia về thể thao người khuyết tật được biết, đối với vận động viên khiếm thị (thương tật T11) bắt buộc phải có vận động viên dẫn đường được mới có thể tập luyện được, nếu không luyện tập sẽ không có hiệu quả, rất dễ dẫn đến chấn thương và tai nạn ngoài ý muốn. 

Trong đơn, ông C. còn tố cáo ông Tuấn đã có lời lẽ mạt sát đối với vận động viên khuyết tật khi không đạt thành tích cao trong thi đấu. Cụ thể là trong môn đua thuyền tại Asean Para Games 2015 (Thi đấu ở Singapore). Thay vì động viên anh em vận động viên, ông Tuấn đã có nhiều từ ngữ không thích hợp nhằm mạt sát và chì chiết về kết quả thi đấu không được như mong muốn.

Thậm chí, ông Tuấn còn nói thẳng "thi làm gì cho xấu mặt Việt Nam". Điều này khiến anh em vô cùng bức xúc vì các vận động viên mới chỉ tập 5 ngày rồi thi đấu luôn, làm sao có thể so sánh với vận động viên nước bạn đã tập luyện 5 - 6 năm trời, ông C trình bày trong đơn. 

Trao đổi với ông Phạm Văn Tuấn về những vấn đề nói trên, ông Tuấn cho biết: Với thông tin nhiều lần tạo điều kiện cho vợ ra nước ngoài tham dự cùng đoàn thể thao Việt Nam, ông Tuấn thừa nhận là có. Ngoại trừ chuyến đi Rio tên bà Hà bị gạt vào phút chót, các đợt còn lại bà đều được đi cùng đoàn. Ông Tuấn cũng khẳng định: Thông tin vợ mình chưa hề công tác tại Hiệp hội Paralympic Việt Nam và để bà đi cùng đoàn thể thao là không đúng.

Còn đối với việc có hành động mạt sát vận động viên khuyết tật tại Asean Para Games 2015, ông Tuấn nói rằng "không nhớ". Tuy nhiên theo ông này, nếu có nói thế thật thì cũng vì quá "buồn" về kết quả của vận động viên nên mới buột mồm chứ không có ác ý.

Trao đổi nhanh với ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao về vấn đề trên, ông Thắng cho biết đã nắm được thông tin và đang cho xử lý nội dung lá đơn nêu trên và sẽ thông tin sau.

PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.

Vũ Sơn

 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.16595 sec| 646.422 kb