Vào năm 2015, một phòng thí nghiệm đã được xây dựng tại Vũ Hán. Nơi đây được cho là chuyên nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm như SARS và Ebola, virus cúm H5N1,...
Cách chợ hải sản 32km, phòng thí nghiệm này bị nghi ngờ là đã khiến virus corona "trốn thoát" ra ngoài môi trường, gây nên dịch bệnh nghiêm trọng.
Tiến sĩ Richard Ebright của đại học Rutgers đã lên tiếng phát biểu với Dailymail rằng không thể phủ nhận khả năng phòng thí nghiệm tại Vũ Hán có mối liên quan mật thiết với chủng virus corona mới, đồng thời phải chịu trách nhiệm về trình tự gen để các bác sĩ chẩn đoán và khắc phục nó.
Theo tiến sĩ Guizhen Wu chia sẻ tạp chí Biosquil and Health vào năm 2018: "Sau sự cố rò rỉ virus SARS năm 2004, Bộ Y tế Trung Quốc đã khởi xướng việc xây dựng các phòng thí nghiệm bảo quản các mầm bệnh cấp độ cao như SARS, coronavirus và cúm đại dịch". Các nhà khoa học đã lên tiếng rằng công việc đang được thực hiện ở Vũ Hán rất quan trọng đối với việc phát triển vắc-xin và các phương pháp điều trị.
Điều này bao gồm việc tiến hành các thử nghiệm trên động vật như khỉ vì quy định nghiên cứu động vật ở Trung Quốc lỏng lẻo hơn nhiều so với các nước phương Tây.
Về chủng mới nhất của coronavirus, các nhà khoa học tin rằng nó đã bị đột biến để lây nhiễm cho người thông qua tiếp xúc giữa người và động vật, hiện đã lây lan nhanh sang 10 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới.
Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia Vũ Hán (WNBL) được xây dựng từ năm 2015 và chính thức đi vào hoạt động năm 2017 để nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới như SARS, Ebola.
Tổng chi phí xây dựng khoảng 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 44 triệu USD), chịu được động đất mạnh 7 độ richter để đảm bảo an toàn.
Phòng thí nghiệm này là nơi duy nhất tại Trung Quốc để nghiên cứu các loại virus nguy hiểm chết người. Tháng 1/2018, WNBL tiến hành các thí nghiệm về những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới với những tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL-4). Đây là mức độ cao nhất với những biện pháp phòng ngừa sinh học nghiêm ngặt. Trên thế giới hiện chỉ có khoảng 54 phòng thí nghiệm đạt cấp độ BSL-4. Phòng thí nghiệm BSL-4 đầu tiên tại Nhật Bản được xây dựng vào năm 1981.
"Toàn bộ phòng thí nghiệm đảm bảo trạng thái áp suất âm liên tục", ông Yuan Zhiming, Giám đốc phòng thí nghiệm cho biết. "Nhân viên phải mặc bộ quần áo như phi hành gia với áp lực dương để tránh tiếp xúc với mầm bệnh. Đây sẽ là một nền tảng công cộng mà tất cả nhà khoa học tại Trung Quốc có thể thực hiện nghiên cứu”, ông Yuan nói.
Số người chết vì virus corona mới, thuộc nhóm vi rút gây ra bệnh SARS và cúm Trung Đông MERS, tính tới ngày 25/1 đã lên 41 trường hợp, hơn 1.200 người nhiễm bệnh và trong vòng 24 giờ qua, đã có Nepal, Pháp, Úc, Malaysia lần lượt xác nhận ca nhiễm đầu tiên.
Hiện, Trung Quốc đã đóng cửa một phần Vạn Lý Trường Thành cùng các địa danh nổi tiếng khác ở Bắc Kinh và nhiều thành phố để kiểm soát dịch bệnh. Một loạt các lễ hội mừng Tết Nguyên đán cũng bị hủy bỏ. 13 thành phố tại tỉnh Hồ Bắc áp lệnh cấm đi lại nhằm ngăn nguy cơ lây lan, khiến khoảng 41 triệu người bị ảnh hưởng.