Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang có mưa lớn, gió mạnh. Theo ghi nhận, tại khu vực ven biển thuộc thôn An Hòa, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, Phú Yên, triều cường có sóng mạnh, gió liên tục tấn công vào các khu dân cư.
Nhiều vùng trọng yếu ở Phú Yên đã có sạt lở do mưa lớn kéo dài. Trước tình hình trên, cùng ngày UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan, ban ngành, các lực lượng trong tỉnh khẩn trương có các biện pháp ứng phó bão số 6 và các biện pháp di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Đến chiều nay, tất cả các phương án phòng tránh bão số 6 đã được địa phương triển khai khẩn trương, nhịp nhàng. Việc tập trung ứng phó tối đa sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại cho dân khi thiên tai xảy ra”.
Ông Lê Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: “Trước tình hình bão số 6 phức tạp, địa phương đã cùng bộ đội biên phòng đắp hàng ngàn bao cát để làm kè bảo vệ chân móng các ngôi nhà giáp bãi biển Hòa An”.
“Các lực lượng tại chỗ đã kêu gọi, hỗ trợ bà con tiếp tục sơ tán 21 hộ dân với 80 nhân khẩu sống ở trực diện vùng triều cường. Cùng lúc, Xuân Hòa đã di dời hơn 200 gia đình các khu vực xung yếu đến ở tạm tránh bão”, ông Hiền cho biết thêm.
Ngoài ra, ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết: “Sông Cầu là vùng tâm bão nên địa phương. Các vùng xung yếu như khu lồng bè vịnh Xuân Đài, các khu triều cường, nguy cơ sạt lở đất…200 hộ dân sơ tán, di dời đến nơi an toàn”,
Tại vùng biển huyện Đông Hòa (Phú Yên), đại diện UBND huyện này cho trên 13.700 ô lồng hải sản, hiện đã cơ bản hoàn tất di dời. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ nuôi vẫn tiếp tục ra biển thăm nom bè nuôi. Địa phương cũng đang triển khai các ca nô cao tốc đi kiểm tra, cưỡng chế các hộ dân di dời tránh bão.
Ngoài tỉnh Phú Yên, đến chiều nay, tỉnh Khánh Hòa cũng đã di chuyển hàng ngàn người dân đến nơi an toàn để tránh bão số 6.
Cụ thể, tại xã Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã di dời hơn 100 hộ với hơn 350 người dân sinh sống ở khu vực giáp biển về nơi an toàn. Riêng tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh tính đã di dời 34.363 lồng, 918 bè nuôi trồng thủy hải sản đến nơi an toàn. Xã cũng có gần 2.000 tàu thuyền, chủ yếu là tàu nhỏ hoạt động gần bờ cũng được đưa về nơi tránh trú an toàn.
Tại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao, đã di dời 16 hộ dân về nơi an toàn, bố trí lực lượng túc trực bảo vệ tài sản và nghiêm cấm các hộ dân quay về nhà khi mưa bão vẫn còn tiếp diễn; bố trí nơi ăn, ở hợp lý cho các hộ dân đã di dời, nhất là người già, trẻ em.
Tại trung tâm TP. Nha Trang tính đến chiều 10/11, chính quyền các địa phương đã tổ chức di dời 629 hộ dân/2.385 người ra khỏi vùng có thể sạt lở.
Cụ thể: Phường Vĩnh Trường di dời 117 hộ/416 người; xã Vĩnh Thái di dời được 60 hộ/170 người tại hai thôn Thủy Tú và Đất Lành; xã Vĩnh Ngọc di dời được 44 hộ/147 người; xã Phước Đồng di dời 140 hộ/570 người tại 2 thôn Thành Phát, Thành Đạt; phường Vạn Thạnh 23 hộ/92 người tại chùa Kỳ Viên; xã Vĩnh Phương di dời 38 hộ/91 người, phường Ngọc Hiệp di dời 40 hộ/160 người đến Trường Tiểu học Ngọc Sơn; Vĩnh Nguyên di dời được 13 hộ/55 người (ở tổ Cầu Đá) và tiếp tục vận động 55 hộ/220 người ở khu vực Tây Hải di dời; xã Vĩnh Hiệp đã di dời 7 hộ/28 người. Phường Vĩnh Phước đã vận động 128 hộ/380 người về dân và địa điểm phường bố trí tránh bão. Phường Phương Sơn có 39 hộ/175 người đến trú tại nhà người thân, 8 hộ/37 người đến tránh bão tại trường học, còn lại tiếp tục đôn đốc di dời. Xã Vĩnh Lương có 100 hộ/324 người ở khu vực xung yếu các thôn Lương Hòa, Văn Đăng 1, Võ Tánh 1, Cát Lợi, Lương Sơn 3 đã đến nhà người thân tránh tạm.