Chiều 27/10, sở GD&ĐT đã ra công văn hỏa tốc, yêu cầu các cơ sở giáo dục thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 28/10 cho đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và dành thời gian để cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động tham gia phòng chống bão số 9 tại cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, sở GD&ĐT còn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tạm dừng các cuộc họp, cuộc thi, hội nghị, tập huấn từ sáng 28/10 cho đến khi có thông báo mới.
Cũng trong chiều 27/10, tại cuộc họp của tỉnh Quảng Trị về ứng phó khẩn cấp với bão số 9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng yêu cầu, người dân không ra khỏi nhà từ 21 giờ cùng ngày để đảm bảo an toàn, cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn xảy ra; trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và trường hợp đặc biệt.
Các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm Công điện khẩn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị dự kiến di dời 6.355 hộ với 17.840 người, bao gồm di dời tại chỗ và di dời tập trung đến khu vực an toàn để tránh bão số 9; đồng thời di dời trên 8.500 hộ với gần 26.000 người thuộc 82/124 xã, phường, thị trấn để tránh ngập lụt.
Trong trường hợp ngập lụt diễn ra nghiêm trọng do mưa bão, tỉnh Quảng Trị di dời trên 15.300 hộ với trên 49.000 người ở 98/124 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, tỉnh còn sơ tán 514 hộ với trên 2.200 người ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông sinh sống trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu.
Tỉnh Quảng Trị di dời dân theo nguyên tắc, ưu tiên di dời tại chỗ đến các nhà kiên cố cao tầng và an toàn gần nhất trong khu vực; di dời tập trung tại các điểm đã được lựa chọn như: Nhà cộng đồng; công sở; trường học. Thời gian hoàn thành di dời dân trước 18h ngày 27/10.