Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Quyết định đình chỉ điều tra 7 công dân Tây Ninh bị 'quên' suốt... 40 năm

Quyết định đình chỉ điều tra 7 công dân Tây Ninh bị 'quên' suốt... 40 năm
Quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với 7 người trong 1 gia đình được ký vào năm 1983 nhưng mãi đến ngày 4/4/2019, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới trao cho các bị can sau nhiều năm những người này đi kêu oan.

Ngày 4/4, Viện KSND tỉnh Tây Ninh trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 công dân đã có 40 năm mang thân phận .

Cụ thể, những người được xác định là bị oan là các ông, bà Hồ Long Chánh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), Nguyễn Thành Nghị, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Lan. Những người này bị khởi tố, truy tố tội cướp tài sản riêng công dân theo Điều 6 Sắc luật 03 ngày 15/3/1976 của Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam.

Quyết định đình chỉ điều tra 7 công dân Tây Ninh bị 'quên' suốt... 40 năm
Sau 40 năm bị khởi tố oan, đến nay các công dân Tây Ninh mới nhận quyết định đình chỉ. 

Sau đó, ngày 11/5/1983, ông Trịnh Quốc Anh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh, đã ký quyết định đình chỉ điều tra tất cả các bị can này. Vậy mà 36 năm nay, dù những người bị oan nhiều lần đề nghị cung cấp nhưng VKS lần lữa thoái thác trách nhiệm.

Mãi đến hôm qua, 4/4/2019, ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng 8 VKSND tỉnh Tây Ninh, đại diện cho cơ quan này mới chủ trì buổi làm việc và trao quyết định đình chỉ điều tra. Ông Danh cho biết ông và VKSND tỉnh Tây Ninh làm theo chỉ đạo của cấp trên. Những thắc mắc, yêu cầu về các vấn đề liên quan trách nhiệm làm oan, việc bồi thường oan và lý do chậm trễ trao quyết định đình chỉ… sẽ được giải đáp trong những buổi làm việc sau.

Quyết định đình chỉ điều tra 7 công dân Tây Ninh bị 'quên' suốt... 40 năm
Quyết định bị bỏ "quên" 36 năm.

Những người bị oan, 40 năm trước, có người là quân nhân tình nguyện Campuchia đang về phép thăm nhà. Hai người phụ nữ, có người có con mới được hai tháng rưỡi, người năm tháng.

Trong vụ án này, có tất cả 8 công dân bị bắt giam sai. Ngoài 7 công dân vừa được trao quyết định đình chỉ điều tra sáng 4/4 thì vụ án còn có ông Nguyễn Văn Dũng (Cựu chiến binh, Thương binh, ngụ tỉnh Tây Ninh). Ông Dũng là người duy nhất nhận được quyết định đình chỉ điều tra từ năm 1983 và yêu cầu cơ quan tố tụng bồi thường oan sai.

Ông Dũng  kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh yêu cầu bồi thường hơn 40 tỉ đồng cho 8 người, tuy nhiên 7 người còn lại không có quyết định đình chỉ điều tra nên cơ quan tố tụng từ chối thụ lý. Sau đó, ông Dũng khởi kiện đòi bồi thường 10 tỉ đồng nhưng chỉ được bồi thường 615 triệu đồng. Năm 2018 ông Dũng đã nhận được tiền bồi thường.

Đêm kinh hoàng của 40 năm trước

Theo hồ sơ vào khoảng 11h đêm ngày 26/7/1979, một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt ngay một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt bốn người đàn ông nữa bị bắt rồi bị đưa về công an huyện điều tra.

Cán bộ điều tra đã dùng nhục hình khiến những người đàn ông này phải nhận tội cướp tài sản đem về cho vợ con cất giấu. Ba người phụ nữ bị bắt tiếp theo sau đó cũng bị dùng nhục hình nên buộc phải nhận đã cất giấu tài sản cướp được.

Tám cuộc đời đang bình yên bỗng nhiên dậy sóng vì những cáo buộc vu vơ và những tháng ngày oan khiên tù tội. Cả một đại gia đình tan tác. Nhiều lần công an dẫn đi lấy tang vật nhưng không có mà chỉ có năm chỉ vàng. Công an buộc người nhà họ đem nộp để bảo lãnh người thân về.

Trong quyết định đình chỉ điều tra ghi: Xét đủ bằng chứng, chứng minh các bị can không phạm tội cướp tài sản riêng của công dân. “Như vậy, việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn bắt điều tra nhục hình bắt họ nhận, chớ họ không phạm tội này” – quyết định đình chỉ nêu rõ.

Quyết định đình chỉ điều tra từ 36 năm trước này ghi nhận việc trả tự do và phục hồi quyền lợi hợp pháp đã bị tạm đình chỉ của những người bị oan...

Năm 1983, sau hơn 45 tháng bị tạm giam, cả 8 người được trả tự do, tuy nhiên, mặc cảm của bản thân lẫn hoài nghi của xóm giềng đã đẩy họ phiêu bạt xứ khác mưu sinh. Tài sản gắn liền với cuộc sống như nhà cửa, đất đai, ruộng vườn đành bỏ lại sau lưng. Có cặp đôi phải ngậm ngùi chia tay vì gia đình người vợ nghi ngờ do lời khai của người chồng mà gia đình họ vướng vòng lao lý.

Sau khi nhận các quyết định đình chỉ, ông Dũng ngấn lệ: “Ba ơi (ông Nguyễn Thành Nghị), cuối cùng nỗi oan của ba cũng được giải. Quyết định này lúc sống ba không được nhận thì nay con với má đi nhận thay ba. Ba yên nghỉ nha ba! 40 năm rồi chúng tôi đi đường chỉ biết cúi mặt nhưng từ nay sẽ khác”.

Quyết định đình chỉ điều tra 7 công dân Tây Ninh bị 'quên' suốt... 40 năm
Bà Nguyễn Thị Thương được minh oan năm 94 tuổi còn chồng bà đã mất khi còn thân phận bị can.

Mẹ ông Dũng là bà Nguyễn Thị Thương dù năm nay 94 tuổi, bệnh tật liên miên nhưng vẫn một mực theo xe từ Bình Dương đi Tây Ninh với lý do: “Tao phải đi để thay mặt ba bây nhận giấy giải oan. Nhận xong qua bên kia thế giới gặp và nói cho ba bây biết để ổng yên lòng”.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn TPHCM, một trong các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các công dân) nói rằng, ngay sau khi nhận được các quyết định đình chỉ, các luật sư sẽ hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho 7 công dân yêu cầu bồi thường, xin lỗi…

Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Tây Ninh cho biết đây là buổi trao quyết định đình chỉ cho 7 bị can còn những vấn đề vướng mắc sẽ được giải quyết trong buổi làm việc sau.

H.A (TH)


 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.40468 sec| 646.141 kb